Các công trình kiến trúc được tạo nên nhờ bàn tay của cha ông ta luôn mang đến nỗi hoài niệm và cả niềm tự hào. Ở giữa lòng Hà Nội, một ngôi chùa vẫn giữ vẹn nguyên dáng hình năm nao. Làm dậy lên trong lòng người những xuyến xao. Đó là chùa Trấn Quốc, điểm tham quan tâm linh có nhiều giá trị lịch sử và kiến trúc. Đây cũng là một trong những điểm thu hút nhiều du khách nhất ở Thủ đô.
Nằm trên con đường Thanh Niên ở phía Đông Hồ Tây, chùa Trấn Quốc tồn tại với tuổi đời hơn 1500 năm. Đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội. Từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần. Chùa đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của thủ đô. Chùa Trấn Quốc thu hút rất đông du khách tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. Cùng blog.mytour.vn tìm hiểu về ngôi chùa cổ kính này nhé!
Chùa yên ả, lánh mình khỏi đường Thanh Niên tấp nập - Nguồn: Sưu tầm
Chùa được xây dựng vào năm 541, thuộc thời Tiền Lý, lấy tên là chùa Khai Quốc. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng nên bị hư hại nhiều do đê sạt lở. Vào năm 1615 (đời vua Lê Trung Hưng), chùa được dời vào bên trong đê Yên Phụ, khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ XVII, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (là đường Thanh Niên ngày nay), nối liền với gò Kim Ngưu. Đến đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705), chùa được đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Với mong muốn giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên. Cái tên đầy ý nghĩa đó được sử dụng cho tới ngày nay.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chùa Trấn Quốc cũng đã được trùng tu. Tuy nhiên, những giá trị đã đi theo cùng năm tháng vẫn được bảo tồn vẹn nguyên.
Trước kia, chùa Trấn Quốc được coi là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Các vua thời Lý, Trần vẫn thường hay vãn cảnh và ngự giá cúng lễ tại chùa vào các dịp lễ, Tết. Bởi vậy, trong chùa còn lưu lại dấu tích của nhiều cung điện phục vụ việc nghỉ ngơi của vua như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
Hiên ngang giữa lòng Kinh kỳ, chùa Trấn Quốc đã chứng kiến bao thăng trầm của đất nước nói chung và thủ đô nói riêng. Về góc độ lịch sử, tôn giáo, viện Viễn Đông Bác Cổ từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 ở xứ Đông Dương. Đến năm 1962, nhà nước xếp hạng chùa là Di tích lịch sử Quốc gia. Nơi đây thu hút rất đông khách đến lễ phật, tham quan.
Không chỉ là nơi thực hành các hoạt động tôn giáo, chùa Trấn Quốc còn là thắng cảnh của đất Kinh kì.
Tổng quan chùa Trấn Quốc chụp từ trên cao - Nguồn: Sưu tầm
Chùa Trấn Quốc nép mình suy tư, trầm mặc trên con đường Thanh Niên tấp nập người qua kẻ lại. Được xây dựng từ ngàn đời nay, ngôi chùa đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, cải tạo. Diện mạo chùa đã phần nào thay đổi. Quy mô và kiến trúc của chùa hiện nay là kết quả của một đợt trùng tu lớn vào năm 1815. Chùa rộng hơn 3000m2, bao gồm vườn tháp, nhà tổ và thượng điện.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tuân theo nguyên tắc kết cấu và kiến trúc khắt khe của Phật Giáo. Chùa bao gồm 3 ngôi chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện. Cả 3 ngôi nối với nhau thành hình chữ Công (工).
Nhà Tiền đường hướng mặt về phía Tây, phía sau là nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm ở hai bên là nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau Thượng điện là gác chuông, nằm trên sảnh đường chính. Gác chuông có kiến trúc ba gian và mái chồng diêm. Nhà tổ nằm ở bên trái Thượng điện. Bên trái Nhà tổ là nhà bia, hiện lưu giữ 14 tấm bia có nhiều giá trị lịch sử - văn hóa.
Ngôi Bảo Tháp cao 15m với những bức tượng Phật ở mỗi tầng - Nguồn: Sưu tầm
Năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng và được hoàn thành năm 2003. Ngôi Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng, tạo nên khu vườn tháp của chùa. Ở mỗi ô cửa hình vòm ở mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng. Đặc biệt, trên đỉnh tháp có Cửu phẩm liên hoa (tháp sen 9 tầng) được tạc bằng đá quý. Ngước lên nhìn, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại vô cùng mềm mại. Bảo Tháp được dựng đối diện cây bồ đề do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 vào chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội. Cây bồ đề này chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi Đức Phật Thích Ca hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Hiện nay, Thượng điện của chùa trưng bày nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị vô cùng lớn. Trong đó, nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn với chất liệu gỗ, được sơn son thếp vàng. Đây được coi là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
Qua bao thăng trầm và biến cố, chùa Trấn Quốc vẫn nằm đó đầy uy nghi, mang lại nét yên bình và cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương đến dâng hương, lễ phật. Du khách trong và ngoài nước cũng dành thời gian đến vãn cảnh chùa, cảm nhận không gian thanh tịnh. Bạn thì sao? Chia sẻ trải nghiệm của bạn cùng blog.mytour.vn nhé!
- Chùa Trấn Quốc nằm trên đảo Kim Ngưu, hồ Tây, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
- Chùa Trấn Quốc được xây dựng vào thế kỷ VI, thời vua Lý Nam Đế. Ban đầu, chùa có tên là Khai Quốc, sau đổi tên thành An Quốc và đến thế kỷ XVII mới đổi tên thành Trấn Quốc.
- Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ kính nhất Hà Nội, được xây dựng trên một hòn đảo giữa hồ Tây. Ngoài ra, chùa còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật đá quý, đồng vàng, gỗ quý, được chế tác tinh xảo.
- Chùa Trấn Quốc mở cửa từ 8h đến 17h hàng ngày. Giá vé vào tham quan là 20.000 đồng/người.
- Chùa Trấn Quốc là một trong những điểm đến nổi tiếng của Hà Nội, nên rất đáng để ghé thăm. Nơi đây không chỉ là một ngôi chùa cổ kính, mà còn là một điểm du lịch lý tưởng để ngắm cảnh và tìm hiểu về lịch sử văn hóa của đất nước.
0 Thích