Mytour blogimg_logo
Tags:
du lịch hà nộikhám phá Hà Nộikinh nghiệm du lịch Hà Nộimúa rối nước truyền thống
06/04/20235.8571

Múa rối nước - Siêu phẩm của nền văn minh lúa nước năm 2025

Sự giao hòa giữa con người, thiên nhiên và vạn vật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần sáng tạo nên những loại hình nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, trong nền văn minh lúa nước tồn tại từ bao đời của người Việt Nam, người ta nhận thấy nước là một trong những yếu tố trọng yếu vừa giúp ích lại vừa tiềm tàng hiểm hoạ của người dân và nghệ thuật múa rối nước manh nha hình thành từ đó như cách mà con người ta thể hiện khả năng ứng biến tài tình, và thái độ tích cực với vũ trụ muôn màu.

 

Múa rối nước, loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Việt

Múa rối nước, loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Việt - Ảnh: Sưu tầm

 

Tự cổ xưa, mỗi cư dân đất Việt đã làm quen với nước, sống với nước ngay từ thuở còn nằm trong bụng mẹ. Cái nghiệp trồng trọt, chài lưới trở thành cái nghiệp ngàn đời trên mọi vùng quê. Nước từ đó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nước tương hỗ cho mọi hoạt động của đời sống cộng đồng nhưng đó cũng là một trong bốn tai họa thủy, hỏa, đạo, tặc mà con người luôn lo sợ. Thiếu nước thì hạn hán, nước nhiều sinh ra thiên tai, lũ lụt.

 

Nước gắn liền với mọi hoạt động của con người

Nước gắn liền với mọi hoạt động của con người - Ảnh: Sưu tầm

 

Có lẽ vì vậy mà ước mơ chế ngự sức mạnh của nước như một ước mơ thường trực của người nông dân. Đó là nguồn cội để nghệ thuật múa rối nước ra đời từ hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Ngay từ những ngày đầu, loại hình nghệ thuật này đã gắn liền cùng sự ra đời của nền văn minh sông Hồng hay tổng quan hơn là nền văn minh lúa nước. Phải chăng đó là những hoạt động diễn ra để cầu mong mưa thuận gió hòa.

 

Phát triển và gắn liền với nền văn minh lúa nước

Phát triển và gắn liền với nền văn minh lúa nước - Ảnh: Jperthllave

 

Cho tới những năm 1010 – 1225 tức là vào triều đại nhà Lý, các nhà nghiên cứu mới tìm được bằng chứng xác thực về sự hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật múa rối nước. Người ta tìm thấy về bản văn tự đầu tiên ghi chép ở bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ghi lại việc diễn rối nước như một nghi lễ mừng thọ nhà.

 

Tới nay, ngay trước cửa chùa Thầy (Sai Sơn – Quốc Oai – Hà Nội), ngay trên hồ Long Trì vẫn tồn tại một di tích gần như nguyên vẹn của một sân khấu múa rối nước từ thời  nhà Lê. Và từ đó, múa rối nước được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành một thú chơi tao nhã của người Việt trong những ngày nông nhàn, ngày xuân và các dịp lễ hội nhằm thể hiện những ước mơ bình dị về cuộc sống.

 

Sân khấu múa rối nước tại Hồ Long Trì, Chùa Thầy

Sân khấu múa rối nước tại Hồ Long Trì, Chùa Thầy - Ảnh: Nguyễn Đình Thành

 

Xem thêm: Các khách sạn 4 sao tại Hà Nội

 

Những yếu tố dân gian mang đậm bản chất của người nông dân Việt, bản chất của cộng đồng làng xã Việt đã đưa múa rối nước trở thành nghệ thuật truyền thống và sánh ngang cùng tuồng, chèo, cải lương,… làm sống động kho tàng văn hóa phi vật thể của nước nhà. Để rồi, khi bất kỳ ai nhắc tới cái tên Múa rối nước là nhân loại lại nghĩ ngay tới Việt Nam, bởi chỉ duy nhất có Việt Nam mới tồn tại loại hình nghệ thuật độc đáo ấy.

 

Bản chất cộng đồng làng xã trong từng vở kịch múa rối

Bản chất cộng đồng làng xã trong từng vở kịch múa rối - Ảnh: Sưu tầm

 

Không giống như bất kỳ nghệ thuật múa rối nào khác, múa rối nước dùng mặt nước làm sân khấu, phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã… và ở trên sân khấu độc đáo ấy là hình ảnh những con rối được làm bằng gỗ đang chuyển động, đang nô đùa dưới bàn tay điều khiển tài hoa của người nghệ sĩ phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây. Người ta còn phối hợp thêm các âm thanh của trống, sáo nhằm làm cho không gian sôi động và đầy biểu cảm hơn.

 

Bộ phận tạo âm thanh sống động cho những vở múa rối nước

Bộ phận tạo âm thanh sống động cho những vở múa rối nước - Ảnh: Abudulla.saheem

 

Một sân khấu như một không gian thu nhỏ của làng quê Việt mà ở đó người ta thấy một khu đình làng tượng trưng với mái uốn cong lung linh được phản chiếu trên mặt nước. Để rồi trong không gian tượng trưng đó, những câu chuyện về làng xã được kể thông qua các tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân. Đó có thể chỉ đơn giản là cảnh sinh hoạt thường ngày nhưng qua đó thể hiện rõ nét những tập tục tinh thần và vật chất truyền đời của người nông dân.

 

Sân khấu múa rối nước như một không gian thu nhỏ của đình làng Việt

Sân khấu múa rối nước như một không gian thu nhỏ của đình làng Việt - Ảnh: Sưu tầm

 

Sống động biết bao khi được ngắm nhìn chú rối được tạo hình đẹp mắt. Đó là sản phẩm của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian vừa giàu tính hiện thực nhưng cũng không kém phần mộc mạc, đằm thắm và trữ tình. Từng khuôn mặt, từng tính cách được hiện lên với những đường nét được cách điệu rất riêng, tươi tắn, ngộ nghĩnh và có tính biểu tượng cao. Những chú rối ấy chuyển động trên mặt nước và được phản quang trên mặt nước tạo nên những hình tượng đầy tính ảo hóa.

 

Tạo hình đầy sống động và đầy tính biểu tượng của những chú rối

Tạo hình đầy sống động và đầy tính biểu tượng của những chú rối - Ảnh: Piet.p.

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ

 

Nước như ẩn giấu tất cả những gì bí mật của trò múa rối nước và người nghệ nhân điều khiển trở những thầy phù thủy với những nét thần thông biến hóa làm cho toàn không gian trở nên lung linh, huyền ảo mà ở đó người ta chợt thấy ẩn, thấy hiện, rồi hồi hộp theo dõi từng cử chỉ, từng hành động đang diễn ra trên sân khấu.

 

Múa rối nước được biểu diễn ngoài trời với sự giao hòa tuyệt đối với thiên nhiên và do đó người xem phải tận dụng đầy đủ mọi giác quan để cảm thụ hết những ý nghĩa tích cực mà câu chuyện muốn truyền tải về nhân sinh quan và ngợi ca sự chiến thắng thiên nhiên của con người.

 

Khung cảnh biến hóa kỳ ảo trong không gian múa rối nước

Khung cảnh biến hóa kỳ ảo trong không gian múa rối nước - Ảnh: Sưu tầm

 

Ngày nay, nghệ thuật múa rối nước đang có nguy cơ bị mai một tuy nhiên vẫn tồn tại rất nhiều phường múa rối truyền thống ở các địa phương như: Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình...  Múa rối nước tạo nên nét đặc sắc của nhiều lễ hội truyền thống như Hội Chùa Thầy, Hội Gióng Phù Đổng, Hội chùa Trăm Gian….

 

Nghệ nhân múa rối nước

Nghệ nhân múa rối nước – Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn tại Hà Nội

 

Không những vậy, để loại hình nghệ thuật này có cơ hội phát triển và tiếp cận nhiều hơn với công chúng cả nước, nhiều địa điểm biểu diễn được xây dựng và đã gặt hái được những thành công vang dội như: Nhà hát múa rối Việt Nam – Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long – Hà Nội, Nhà hát múa rối cố đô Huế, Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng – TpHcm.

 

Múa rối nước thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước

Múa rối nước thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội

 

Theo dòng chảy của không gian và thời gian, múa rối nước vẫn tồn tại và phát triển như một sản phẩm tinh thần độc đáo của cư dân lúa nước. Loại hình nghệ thuật này đang dần phát triển trên toàn quốc và chinh phục được hàng ngàn du khách trong nước cũng như nước ngoài. Đó là cách mà người Việt thể hiện niềm tự hào với những giá trị nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc.

 

Dandelion - blog.mytour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.

Các câu hỏi thường gặp
Múa rối nước là gì?

- Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, được biểu diễn trên mặt nước bằng những con rối được điều khiển bởi người nghệ sĩ.

Múa rối nước có xuất xứ từ đâu?

- Múa rối nước có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Nó được coi là một siêu phẩm của nền văn minh lúa nước.

Múa rối nước được biểu diễn như thế nào?

- Múa rối nước được biểu diễn trên mặt nước bằng những con rối được điều khiển bởi người nghệ sĩ. Những con rối này được làm bằng gỗ, sơn và trang trí bằng những chi tiết tinh xảo.

Múa rối nước có ý nghĩa gì?

- Múa rối nước có ý nghĩa giáo dục và giải trí. Nó thể hiện những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Múa rối nước có phổ biến ở đâu?

- Múa rối nước được biểu diễn rộng rãi ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội. Nó cũng được biểu diễn tại các sự kiện văn hóa và du lịch trên toàn quốc.

1 Thích

Đánh giá : 4.6 /162