Mytour blog
Tags:
cao nguyên đá Đồng Văndu lịch Hà Giangcảnh đẹp Hà Giangdu lịch lũng cú
06/04/20232.0430

Ngao du đến cao nguyên đá - Hà Giang năm 2024

Thay vì bay vào miền Trung ấm nắng hay ngao du đến các đất nước mới lạ, Tết Quý Tỵ này chúng tôi vượt hơn 500 km đến Hà Giang, lên Lũng Cú để du Xuân.

 

Mảnh đất địa đầu Tổ quốc với cao nguyên đá hùng vĩ, những phiên chợ vùng cao đầy sắc màu, và rất nhiều, rất nhiều cảnh đẹp với vẻ hoang sơ đến thuần khiết đã đem đến cảm xúc mới lạ.

 

CAO NGUYÊN ĐÁ

 

Sáng mùng 2 Tết, rời Thủ đô, chúng tôi vượt 320km lên Hà Giang. Không phải ngẫu nhiên, nhiều năm nay, Hà Giang đã trở thành điểm đến của nhiều tour du lịch khám phá. Vùng đất được mệnh danh là cao nguyên đá này quá ấn tượng  với du khách bởi phong cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ.

 

Núi Đôi, Quản Bạ, Hà Giang.
Núi Đôi, Quản Bạ, Hà Giang

 

Xem thêm: Khách sạn giá tốt ở Hà Giang


Cao nguyên đá Đồng Văn nằm trên địa bàn 4 huyện phía Bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Vùng cao nguyên này có độ cao trung bình 1.500m, do đứt gãy của vỏ trái đất nên địa hình rất dốc. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao.

 

Vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn

Vẻ đẹp cao nguyên đá Đồng Văn

 

Xem thêm: Tour giá tốt ở Hà Giang

 

Nơi đây còn sở hữu nhiều di tích lịch sử lâu đời, những công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Tày, Nùng, Lô Lô, Giáy, Hoa, Dao... và hàng loạt danh lam thắng cảnh thiên nhiên thuộc loại đặc biệt có một không hai ở Việt Nam.

 

Tường rào đá.
Tường rào đá.


Dừng chân đi sâu vào bản làng, ấn tượng nhất với chúng tôi là những dãy nhà (bằng đất) của người dân nơi đây đều được rào bằng đá. Đá xếp chồng lên nhau không vôi, vữa vậy mà có thể thành một tường rào chắc chắn bao quanh nhà, quanh làng. Xuân về, mưa xuống, xen lẫn với màu xám của đá là màu xanh của những ruộng ngô, màu vàng của hoa cải vấn vít với sương mù...


CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC


150km từ Hà Giang lên Đồng Văn, cung đường không xa lắm nhưng là thử thách rất lớn đối với các bác tài bởi đường vừa hẹp, vừa liên tục cua tay áo với độ dốc lớn, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Vậy mà anh Thắng, hướng dẫn viên người bản địa nhiều lần khẳng định với đoàn là giờ đi là rất “sướng” rồi. Theo lời anh Thắng, ngày xưa từ Mèo Vạc đến Đồng Văn, chỉ có thể đi bộ hoặc ngựa qua Mã Pí Lèng, vì vậy mà gần như bị chia cắt.

 

Cung đường lên cao nguyên đá Đồng Văn

Cung đường lên cao nguyên đá Đồng Văn


Năm 1959, Nhà nước cho mở con đường mang tên Hạnh Phúc. Chuyện mở đường qua Mã Pí Lèng của hơn 50 năm trước luôn được anh Thắng kể với giọng hết sức xúc động bởi công việc toàn bằng thủ công, từ đo đạc, khảo sát, nổ mìn, đến vận chuyển đất đá, đầm chặt mặt đường. Hàng chục ngàn thanh niên nhiều dân tộc đã treo mình trên núi đá suốt 6 năm trời, trong đó có người đã hy sinh để có con đường Hạnh Phúc hôm nay.


Dừng chân ở đỉnh đèo, nơi có tấm bia lưu niệm công trình con đường Hạnh Phúc vào lúc hoàng hôn, chúng tôi dành những phút tưởng niệm cho những người đã đổ xương máu, công sức cho con đường này, cho đất nước này.


Đi trên đường Hạnh Phúc, vượt qua những con đèo cao ngất, phong cảnh vừa hùng vĩ, vừa trữ tình dần hiện ra, như thực, như mơ.


NƠI BIÊN CƯƠNG LÀ ĐÂY


Chưa đến cột cờ Lũng Cú là chưa đến Hà Giang. Chúng tôi thẳng tiến lên cột cờ Lũng Cú để kịp đắm mình trong gió lộng đỉnh trời cực Bắc, nơi lá cờ Tổ quốc hiên ngang ngự trên đỉnh núi Rồng cao 1.700m so với mặt biển.

 

Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Giang


Trải qua chặng đường dài, dù rất mệt nhưng cả đoàn ai nấy đều hăm hở leo 825 bậc thang xi măng để đến chân cột cờ, rồi tiếp tục leo 135 bậc cầu thang sắt trong lòng cột để đến được cán cờ. Nói cột cờ là điểm cực Bắc thì chưa hoàn toàn chính xác, điểm cực Bắc còn cách cột cờ khoảng 3km về phía Đông.


Ban đầu, cột cờ làm bằng tre, từ năm 1978 được làm bằng gỗ sa mộc cao 12m. Năm 2002, cột được xây dựng bằng xi măng, cốt thép, với chiều cao gần 20m. Cột cờ quốc gia Lũng Cú hiện nay (được khởi công trùng tu, nâng cấp ngày 8-3-2010) có tổng chiều cao 33,15m, thân cột cao 20,25m, cán cờ cao 12,9m, lá cờ Tổ quốc dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.


Đứng ở nơi này, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trong gió, mới cảm hết được hai từ Tổ quốc thiêng liêng.


PHỐ CỔ


Ấn tượng lớn nhất trong chuyến đi của tôi lại là một đêm ngủ lại tại thị trấn Đồng Văn. Thủ phủ của cao nguyên đá này khiến khách nao lòng bởi vẻ đẹp u hoài của khu phố cổ cùng ba dãy chợ mà người Pháp khi xâm chiếm Đồng Văn đã xây từ những năm 30 của thế kỷ trước.

 

Hình ảnh nghệ nhân 73 tuổi Mùa Xẻo Sấu thổi khèn

Hình ảnh nghệ nhân 73 tuổi Mùa Xẻo Sấu thổi khèn

 

Phố cổ Đồng Văn mang dáng dấp kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa, pha trộn kiến trúc vùng Hoa Nam, Trung Quốc. Không “cổ” so với nhiều phố cổ nơi khác, lại có qui mô khá nhỏ, nhưng phố cổ Đồng Văn lại mang sắc thái riêng mà nơi khác không có bởi cư dân ở đây hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số. Những ngôi nhà phố cổ rất thấp, tường bằng đất, mái lợp ngói máng truyền thống.


Các công trình kiến trúc độc đáo này được tạo nên từ những phiến đá tạc, đẽo công phu. Sau khi hình thành phố xá thì ngôi chợ cũng bắt đầu xây dựng. Khu chợ cổ xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1925 - 1928, với những dãy cột đá ba, bốn người ôm được đục đẽo rất đẹp, với kết cấu hình chữ U. Thời điểm chúng tôi đến chợ đã được di dời đi nơi khác (bởi quá nhỏ) chỉ còn những dãy tường nhà rêu phong và một quán thắng cố của một cặp vợ chồng người Tày còn trụ lại.


Đêm ấy, chiêu đãi khách dưới xuôi, cặp vợ chồng này đã nấu một nồi thắng cố “cải tiến” cho phù hợp với khẩu vị người dưới xuôi. Cô con gái 17 tuổi của tôi lần đầu được nhấp thử một ngụm rượu ngô, được ăn bát thắng cố... 

 

Nồi thắng cố.
Nồi thắng cố.


Luyến tiếc, cố thức dậy từ sáng sớm, tôi cùng cô bạn phóng viên thả bộ một vòng quanh phố cổ để lưu giữ lại những bức ảnh trong khung cảnh trầm mặc của phố núi.


Tháng Giêng không phải mùa hoa Tam giác mạch, hoa Bạc hà cũng đã tàn, nhưng ủ trong sương trời, khí núi khắc nghiệt nụ mận, nụ đào, nụ lê trắng đang cựa mình bật nở, là những vạt cải vàng rực rỡ hòa mình vào hơi thở của đất trời. Xuân tràn trề lồng lộng giữa mây trời, đá núi cao nguyên.


Chia tay Hà Giang, chúng tôi hẹn ngày quay trở lại. Bởi người hướng dẫn viên vẫn đang ấp ủ, nung nấu mong muốn được giới thiệu cho khách khu du lịch nằm trong quần thể di tích làng văn hóa các dân tộc đang được Hà Giang bảo tồn, phát triển.


Bởi ngày Tết cửa hàng chưa mở, cô bạn phóng viên đi cùng chưa được ăn bát cháo “thuốc độc” ấu tẩu. Bởi sương mù nên đoàn chưa được chiêm ngưỡng vực đường bộ sâu nhất Việt Nam, đỉnh Mã Pí Lèng với độ cao gần 2.000m so mặt nước biển có thể với tay là bắt được mây. Bởi chưa đến 27-3 âm lịch nên chúng tôi vẫn chưa được đi chợ tình Khâu Vai. Bởi cô con gái 17 tuổi vẫn ước thêm một lần nữa có được trải nghiệm cảm giác thiêng liêng khi đứng dưới cột cờ Lũng Cú…

 

Mytour - Nguồn tổng hợp

0 Thích

Đánh giá : 4.0 /113