Không chỉ gắn liền với bữa ăn thường nhật của người dân Việt Nam mà những món ăn từ sợi đã trở thành nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam được du khách bốn phương biết đến. Nhưng trong số rất nhiều món ăn làm từ sợi ấy, đâu là 10 món ăn có hương vị cộp mác Việt nam không thể tìm thấy tại đâu trên thế giới?
Tại sao Phở lại được xem là một món ăn từ sợi mang hương vị cộp mác Việt Nam? Dù trên thế giới có rất nhiều nơi phỏng theo món phở Việt Nam nhưng dường như để tìm kiếm đúng hương vị của Phở thì chỉ có duy nhất một nơi có thể có được đó là Việt Nam.
Phở bò đúng điệu Việt Nam- Ảnh: waL noD
Phở từ bao đời này đã được xem là món ăn truyền thống gắn liền với bề dày lịch sử Việt Nam. Cứ nhắc đến Việt Nam là người ta nhắc đến phở hay nhắc đến phở là nhắc đến đất nước hình chữ S. Phở có mặt trên khắp mọi nẻo đường của Việt Nam, từ những con hẻm nhỏ, những con đường lớn, trong nhà hàng, quán ăn hay trong chính bữa cơm sáng, trưa, chiều và tối của người dân Việt Nam. Phở dường như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam và là món ăn không thể không thử khi du khách nước ngoài đến đây.
Cách làm ra những bánh phở thơm ngon- Ảnh: Phan Vi
Phở là một món ăn với hương và vị dễ dàng phù hợp với khẩu vị của bất kỳ ai. Những sợi phở mềm nhưng vẫn giữ đủ độ dai khiến du khách không ngán khi ăn món ăn này. Nước phở là sự hòa quyện giữa thịt bò tươi ngon, nêm nếm đậm đà mà vẫn giữ được vẻ mộc mạc của phở, thêm một vài lát hành và rau thơm là đã trở thành hương vị khiến vị khách khó chiều nhất cũng phải tự mê mệt. Chỉ ở trên mảnh đất hình chữ S này, ngồi ở một quán xá ven đường hay ngay tại gánh hàng rong thì du khách mới thưởng thức được hương vị Phở đậm đà chuẩn mực.
Hương vị phở chuẩn Việt Nam- Ảnh: Jedrek Spiewak
Bún bò là món ăn làm từ sợi tiếp theo có hương vị cộp mác Việt Nam mà du khách khó có thể tìm thấy tại đâu trên thế giới. Bún bò có nguồn gốc từ xứ Huế mộng mơ, với hương vị đậm đà của kinh đô xưa, cổ kính và huyền hoặc. Đầu bếp Anthony Bourdain của kênh truyền hình CNN đã từng nói bún bò làm món súp ngon nhất thế giới mà ông từng thưởng thức và nếu đến Huế mà không ghé chợ Đông Ba để thử nó thì đó sẽ là một thiếu sót lớn.
Một tô bún mang cả hương vị xứ Huế- Ảnh: Ted Nghiem
Một tô bún bò đầy đủ bao gồm thịt bò, những sợi bún trắng mềm, hành và rau quế. Thịt bò có thể là thịt bắp bò, thêm giò heo, vài lát chả lụa để làm cho món ăn thêm hấp dẫn. Điểm nhấn của một tô bún bò là ở phần nước dùng, không giống với bất kỳ món ăn từ sợi nào khác. Bởi nước dùng không chỉ có vị ngọt từ thịt mà còn thêm một ít vị ruốc đặc trưng của người miền Trung nói riêng và người Việt Nam nói chung, khiến món bún bò lại có hương vị đặc trưng, cuốn hút người du khách ngay cả khi họ đứng từ xa.
Đậm đà một tô bún bò- Ảnh: Sưu tầm
Bún riêu hay bún riêu cua được xem là một món ăn truyền thống, có vị chua thanh độc đáo, đặc biệt phổ biến ở miền Nam Việt Nam, mang hương vị đặc trưng, “chất ngây ngất” màu Việt Nam. Tác giả cuốn sách The Food Traveler’s Handbook - Jodi Ettenberg khi được hỏi về ẩm thực Việt Nam thì cô đã đánh giá bún riêu là món cô nhớ nhất khi nhắc đến Việt Nam và thường xuyên thèm được ăn.
Bún riêu với màu gạch riêu cua đỏ cuốn hút- Ảnh: The little black dress
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Giống như tên gọi của nó, thành phần chính của bún riêu bao gồm sợi bún và riêu cua, được làm từ thịt cua giã nát, gạch cua, tạo cho bún có vị thơm và ngọt ngào đậm đà đúng chất. Ngoài ra, thành phần phụ làm nên một tô bún riêu hoàn chỉnh còn có đậu hũ, chả, ốc và thường được ăn cùng với đĩa rau sống chủ yếu là rau muống chẻ ngọn giòn tan, giúp du khách không quán ngán. Thêm một ít mắm tôm sẽ là một điểm nhấn khiến bún riêu trở thành hương vị cộp mác Việt Nam không tìm thấy đâu trên thế giới.
Thêm một ít mắm tôm sẽ làm cho hương vị đậm đà- Ảnh: Sưu tầm
Bún mọc là một món ăn truyền thống của Việt Nam, có thể làm tan chảy bất kỳ trái tim ưa chuộng ẩm thực nào. Bún mọc có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam, tại làng Nhân Mục, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là một món ăn gắn liền với lịch sử lâu đời của Việt Nam và nó dường như chưa bao giờ mất đi chỗ đứng trong lòng những người mê ẩm thực.
Bún mọc khiến du khách phê mê mệt- Ảnh: Sưu tầm
Tên gọi bún mọc xuất phát từ thành phần của bún là giò sống hay còn được gọi là mọc. Sợi bún mọc được làm từ bột gạo mà không phải là một thứ bột nào khác khiến người dùng không quá ngán mà còn tạo hứng thú cho những lần ăn tiếp theo. Thành phần chính của bún mọc là giò sống, sườn non, thịt nạc băm, nấm mèo, chả quế làm nên vị ngọt thanh tao nhưng lại không dễ phai đi mà thấm đậm vào từ cen-ti-met cổ họng của du khách, khiến du khách khó có thể nào quên được hương vị cộp mác Việt Nam này!
Hủ tiếu - món ăn vừa đường phố giản dị lại vừa mang sắc thái kiêu hãnh của Việt Nam. Sở dĩ nói vậy là bởi vì, có những loại hủ tiếu bình dân, là món ăn vỉa hè của người dân Việt Nam nhưng cũng có những tô hủ tiếu “sang trọng” hơn được phục vụ trong các quán ăn lớn, nhà hàng. Nhưng dù là gì đi chẳng nữa, hủ tiếu của Việt Nam mang hương vị riêng biệt, độc đáo không lẫn vào đâu được.
Xe đẩy hủ tiếu bình dân- Ảnh: Tuan Truong
Hủ tiếu là một món ăn đơn giản bao gồm sợi hủ tiếu, nước lèo ngọt từ vị hầm xương, thịt heo, chả và trứng, có thể có thêm tôm tùy thích. Hủ tiếu sau khi trở nên phổ biến ở miền Nam Việt Nam, đã dần hình thành nên 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng gồm hủ tiếu Nam Vang “sang trọng” khét tiếng, hủ tiếu Sa Đéc và hủ tiếu Mỹ Tho thì bình dân hơn. Người ta thường ăn hủ tiếu kèm với giá và tép mỡ chiên giòn tan, tạo nên mùi vị độc đáo cho hủ tiếu Việt Nam. Người ta có thể thưởng thức hủ tiếu vào cả buổi sáng hay tối, hủ tiếu là món ăn “vội” của học sinh, sinh viên hay cũng có thể biến hóa thành món ăn trong bữa ăn gia đình.
Một tô hủ tiếu Nam Vang “sang thật sang”- Ảnh: Sưu tầm
Nếu du khách nào đã từng đặt chân đến thủ đô Hà Nội, chắc hẳn sẽ không quên món bún chả ngon tuyệt hảo. Đây có thể xem là một trong những món ăn làm từ sợi có hương vị cộp mác Việt Nam đã làm rạng danh mảnh đất hình chữ S khắp năm châu với hương vị không lẫn vào đâu được.
Hương thơm từ chả nướng không thể cưỡng lại- Ảnh: KrystofK
Bún chả là một trong những món ăn gắn liền cùng với những cung bậc lịch sử của Việt Nam. Ban đầu, bún chả chỉ là những gánh hàng rong đơn sơ, mộc mạc nhưng ngày nay, ở hầu khắp các phố phường Hà Nội, bún chả đã phát triển thành những quán ăn nổi tiếng, không chỉ đối với du khách trong nước mà còn đối với quốc tế. Bún chả mang hương vị đặc trưng, giản dị và mộc mạc nhưng nó đã chiếm trọn tình cảm của người du khách phương xa.
Nướng chả thơm lừng- Ảnh: Mark Torkington
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bình Định
Chả của bún bao gồm có chả băm từ thịt nạc băm nhuyễn và chả miếng làm từ thịt ba rọi cắt mỏng và nướng lên cùng than hồng. Mùi hương thoang thoảng từ những lát chả đậm đà sẽ quyến rũ bất kỳ con tim của người du khách nào. Nước chấm cũng là một điểm nhấn của món bún chả, nước chấm phải không quá mặn, quá chua, thanh khiết, hơi cay cùng với những miếng đu đủ xanh thái mỏng. Một đĩa rau sống gồm xà lách, tía tô, kinh giới,... là không thể thiếu để có một bàn ăn bún chả đúng kiểu Việt Nam!
Đừng quên thử món bún chả khi đến Việt Nam- Ảnh: dan toan
Bánh canh cua chắc chắn sẽ là một món ăn từ sợi có hương vị cộp mác Việt Nam mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu ngoài Việt Nam. Muốn thử ngay món ăn độc đáo này, không còn cách nào khác là phải book vé và vi vu một chuyến đến điểm bán bánh canh cua tại Việt Nam.
Bánh canh cua - vị ngon trên từng lát thịt- Ảnh: Sưu tầm
Bánh canh cua dường như là một món ăn thể hiện rõ nét nhất hình ảnh của một nước Việt Nam mang đậm truyền thống nông nghiệp lúa nước. Bánh canh cua, phải làm từ cua đồng thì độ ngọt và đậm đà của bánh canh mới là cao nhất. Điểm nhấn của một tô bánh canh cua là ở nước dùng đặc sệt với những sợi bánh canh trắng hòa cùng bột năng. Nước dùng chỉ cần nêm nếm ít gia vị cũng đã đủ đậm đà bởi thịt cua, tôm khá ngọt, kèm theo một ít nước mắm làm nước chấm là bạn đã có ngay một bữa ăn tuyệt vời nhất rồi đấy!
Thịt nướng không chỉ dùng để làm món ăn chín cho những bữa tiệc ngoài trời như ở phương Tây mà đối với người Việt Nam, thịt nướng có thể dùng để làm bún. Món bún thịt nướng khá dễ ăn nên trở thành món được ưa chuộng ở khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam và còn làm cho du khách nước ngoài phải thích thú khi lần đầu chạm môi.
Tô bún thịt nướng đơn giản sẽ đủ cho bạn một bữa ăn ngon- Ảnh: Lé Thanh Chì
Một tô bún thịt nướng thì không quá cầu kỳ, chỉ gồm những miếng thịt nạc dăm nướng chín mùi, đậu phộng, dưa chua, ít rau sống và bún. Tuy nhiên, sự khác nhau ở mỗi miền là ở cách tẩm ướp thịt mặn ngọt và độ chua ngọt của chén nước mắm dùng kèm theo. Vì là một món ăn dễ thưởng thức nên nó thường được dùng cả trong bữa ăn sáng, trưa, chiều hay tối. Những miếng thịt nướng được tẩm ướt đậm đà, hương thơm ngào ngạt trên bếp than sẽ khiến du khách không thể không một lần mong muốn được thưởng thức.
Thêm một ít rau hành sẽ làm tô bún thêm bắt mắt- Ảnh: Katherine Knowlton
Không giống như những món ăn trên, miến gà thường là một món ăn được dùng trong bữa cơm gia đình Việt Nam hay trong đám cỗ. Miến gà là một món ăn dễ nấu, không tốn quá nhiều thời gian và công sức nên rất được các bà nội trợ trong gia đình chế biến để tạo nên một bữa ăn bổ dưỡng lại khá vừa miệng với tất cả mọi người.
Miến gà cho bữa ăn gia đình yên bình- Ảnh: Sưu tầm
Từ tên gọi thì du khách cũng đã dễ dàng biết được thành phần chính của miến gà là bao gồm miến và thịt gà làm ngọt nước. Ở miền Nam, gà thường để miến lớn, ăn kèm theo măng khô cắt sợi còn ở miền Bắc, gà thường được sẽ thành sợi mỏng để dễ dàng thấm gia vị và nước dùng. Vài cọng hàng và rau thươm trải đều trên mặt miến sẽ khiến hương vị thêm đậm đà và tươi ngon. Chính bởi điều này sẽ khiến miến gà là món ăn chỉ có thể thưởng thức được ở Việt Nam.
Bún mắm miền Tây - một món ăn được xem là linh hồn của ẩm thực miền Tây và là một trong 10 món ăn làm từ sợi có hương vị cộp mác Việt Nam mà từ thành phần đến hương vị của nó, chỉ khi đến Việt Nam du khách mới có thể thưởng thức được.
Đây sẽ là món ăn từ sợi độc đáo của riêng Việt Nam- Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Cần Thơ giá rẻ
Bún mắm là món ăn đậm đà màu dân dã của vùng sông nước miền Tây. Điểm tạo nên sự khác biệt cho bún mắm miền Tây là ở nước dùng của bún. Nước dùng thường được làm từ mắm cá linh hay cá sặc, con mắm được nấu ra, hòa quyện để tạo nên mùi hương đặc trưng cho bún mắm. Bún mắm thường cho kèm theo tôm, cá, mực hay thịt heo quay để làm cho món bún mắm không trở nên quá đơn điệu. Một đĩa rau muống chẻ, cọng bông súng, bắp chuối, rau diếp cá,...là một thành phần không thể thiếu trong bữa ăn thưởng thức bún mắm - món ăn độc đáo của mảnh đất hình chữ S.
Phải nói rằng nền ẩm thực Việt Nam là vô cùng đa dạng và phong phú đặc biệt là sự phong phú về những món ăn được làm từ sợi. Dù với những thành phần khác nhau, hương vị và cách thưởng thức cũng khác nhau nhưng dường như chính những nét đặc trưng riêng biệt, không lẫn lộn vào đâu được đã khiến du khách nước ngoài phải “chết mê chết mệt” vì những món ăn cộp mác Việt Nam này. Muốn thưởng thức nó, không có cách nào khác là du khách phải một lần đặt chân đến Việt Nam, giữa khoảng không ấy, những món ăn độc đáo đang chào đón du khách đấy!
Thu Huyền - blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
0 Thích