Đặc biệt, ở huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) có một lễ hội rất giàu tính nhân văn được tổ chức hàng năm, thu hút khoảng 10.000 lượt người đến tham dự. Đó là lễ hội Chrorumchec, dân gian còn gọi là lễ cúng phước biển
Lễ cúng phước biển Vĩnh Châu được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 Âm lịch hàng năm tại ấp Đôn Chếch, xã Vĩnh Châu của huyện Vĩnh Châu. Cho đến nay, lễ hội này đã tồn tại hàng trăm năm và luôn được tổ chức tại một địa điểm và chỉ trong hai ngày đã nêu. Ý nghĩa của lễ hội là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp để người dân tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, tạo lập vùng đất, tạ ơn trời đất thánh thần cho họ có được cuộc sống ấm no, tạ ơn biển cả đã cho họ nhiều tôm cá, tạ ơn bãi bồi đã cho họ những cánh đồng lúa vàng nặng trĩu.
Ban đầu lễ hội này chỉ diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ mà người có công đầu trong việc định hình lễ hội là một nhà sư Khmer tên là Tà Hu. Khi đó, ông dựng một ngôi tháp trên giồng cát, gần chùa Cà Săng, thuộc địa điểm tổ chức lễ hội ngày nay để đồng bào phật tử đến thắp hương, thành tâm chiêm bái. Ông chọn ngày rằm tháng 2 Âm lịch (tức rằm tháng 11 của người Khmer) để lập đàn làm phước, vì đó là thời điểm trời yên, biển lặng, ngư dân nào đi biển về thuyền cũng đầy ắp cá tôm. Sau đó, buổi làm phước này được nhiều người quan tâm, nhiệt tình hưởng hứng. Từ đó, lễ cúng phước biển hình thành và trở thành một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp không chỉ của người Khmer mà còn của cả người Việt và người Hoa.
Trên khu đất trống tổ chức lễ hội, người ta đắp lên những đống cát và cắm nhang lên đó để cầu nguyện - Ảnh: Sưu tầm
Mở đầu buổi lễ là lễ cầu siêu được tổ chức bên những núi cát nghi ngút khói nhang nhằm tưởng nhớ công ơn tổ tiên, tạ ơn biển cả, và cầu mong những điều tốt lành nhất sẽ đến với dân làng tại ngay khu tháp di tích mà ông Tà Hu xưa kia đã dựng lên. Sau đó là lễ rước tượng Phật từ chùa Cà Săng đến khu vực hành lễ. Ở đây người ta đã dựng sẵn một cái rạp hình chữ nhật, chiều dài 8m, rộng 18m, được xem là khu vực chính để đặt tượng Phật, để làm các nghi thức cúng bái cũng như các sinh hoạt tín ngưỡng khác. Khi tượng Phật được rước đến trước rạp, mọi người làm lễ chào Phật kỳ, sau đó rước tượng vào và an vị. Tiếp đến là lễ tam bảo, cầu quốc thái dân an, cầu nguyện và thuyết pháp do các nhà sư phụ trách với sự tham dự của đông đảo bà con phật tử.
Người dân tham gia hội - Ảnh: Sưu tầm
Sau các nghi lễ mang đậm màu sắc tôn giáo là phần hội. Đây cũng là phần được mọi người quan tâm và chờ đợi nhất trong suốt những ngày lễ diễn ra. Trong phần hội có nhiều trò chơi thể thao, văn hóa văn nghệ giàu tính truyền thống dân tộc. Các trò chơi phần lớn tái hiện lại các nghề chủ yếu mà cư dân ở đây dùng để mưu sinh.
Khám phá Sóc Trăng - Ảnh: Sưu tầm
Trước đây, phần mở màn cho buổi lễ hội là một hoạt cảnh tái hiện lại cuộc sống vất vả, cực nhọc của những người nông dân trong những buổi đầu khai hoang lập nghiệp. Đó là cảnh hàng trăm cô thôn nữ đeo những thùng tưới trên vai, dù thùng nước đè nặng lên đôi vai nhưng họ vẫn luôn tươi cười, trò chuyện cùng nhau như cố quên đi bao nỗi mệt nhọc. Bên cạnh họ là hàng trăm chàng trai lực lưỡng, màu da đen sậm, ai cũng gồng vác trên vai bộ đồ nghề đẩy xiệp, chuẩn bị lặn lội sông nước kiếm sống qua ngày.
Du lịch Sóc Trăng - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn tại Sóc Trăng
Sôi nổi và cuồng nhiệt nhất có lẽ là cuộc đua bò kéo xe. Mỗi chiếc xe bò được chất đầy người, người điều khiển tay vừa vút roi, vừa la hét để xe mình chạy thật nhanh. Trong cuộc đua này, thắng thua không có ý nghĩa quan trọng vì ý nghĩa chính của cuộc đua xe là nhằm nhắc nhở mọi người nhớ về buổi đầu của cuộc sống nông nghiệp, khi chưa có máy móc hiện đại thì con bò đã đóng góp một phần không nhỏ công sức vào công cuộc khai hoang mở đất.
Cuộc thi khác cũng không kém phần hấp dẫn là đua ghe ngo trên cạn. Cuộc đua này chỉ diễn ra trong những năm liên tiếp bị hạn hán, mất mùa, tất cả kênh rạch đều khô hạn, nên người dân phải đua ghe trên đất cho “động trời” để ông Trời làm mưa cho mùa màng tươi tốt, con người vừa có nước dùng vừa có nước tưới tiêu. Chiếc ghe trong cuộc đua này được tượng trưng bằng một cây chuối dài khoảng hai mét. Cứ hai người một ghe, một người dùng dây gióng ghe lên cổ, người khác cầm một cây dầm bằng cọng tàu lá chuối vừa chạy khắp các thửa ruộng theo một lộ trình tùy hứng, vừa múa vừa hát, nói những lời cầu khẩn theo kiểu bắt vần hết câu nọ sang câu kia. Nội dung của các câu đó là cầu mong ông trời ban cho mưa xuống để có nước gieo sạ, ruộng đồng được xanh tốt.
Bạn hãy đến và thưởng thức - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Sóc Trăng
Phần trình diễn văn nghệ trong lễ hội này cũng thu hút được đông đảo bà con tham dự. Đó là những điệu múa uyển chuyển, độc đáo và điêu luyện của các cô gái Khmer. Có cả những điệu múa gà, múa khỉ của các nghệ nhân Khmer theo các vũ điệu cổ truyền. Tất cả đều diễn ra một cách náo nhiệt, tưng bừng, rộn ràng với lời ca, tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng trống của nền nghệ thuật truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer. Các nghệ nhân múa trống Khmer cũng đem đến cho lễ hội một không khí náo nhiệt bằng điệu trống chuyên dùng phụ họa múa Chhayam. Họ vừa vỗ trống vừa múa, khi nhún nhảy toàn thân, lúc nâng cao, xoay chuyển nhanh nhẹn rất ngoạn mục. Cái trống trước ngực của họ vừa là nhạc cụ để đệm, vừa là đạo cụ múa được họ sử dụng rất nhuần nhuyễn.
Lễ hội cúng phước biển ở Vĩnh Châu thật sự là một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và là sợi dây thắt chặt tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer cùng cộng cư trên vùng đất này.
Thời gian: 14-15/2 âm lịch.
Địa điểm: Ấp Đôn Chếch, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đối tượng suy tôn: Trời đất thánh thần. Các bậc tiền nhân có công khai khẩn tạo lập vùng đất.
Đặc điểm: Lễ hội truyền thống của người Khmer. Lễ cầu siêu, lễ cầu nguyện tam bảo, cầu quốc thái dân an và chư tăng thuyết pháp, múa khmer truyền thống, đua bò kéo xe, cuộc đua ghe ngo trên cạn.
blog.mytour.vn - Nguồn: tổng hợp
0 Thích