Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh núi mang tên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ ở thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ngay cạnh bãi tắm thuộc biển Sầm Sơn. Theo truyền thuyết đền có từ thế kỷ XIII dười thời Trần, cũng có truyền thuyết cho rằng đền được dựng trước nữa.
Đền Độc Cước - Ảnh: Sưu tầm.
Xem thêm: Các khách sạn tại Sầm Sơn
Tục truyền đời xưa một năm vào ngày mồng 7/1, làng Trường Lệ bị một cơn mưa to gió lớn đến mức nước ngoài biển dâng lên ngang lưng núi, cây cối đổ nghiêng ngã. Sáng hôm sau dân làng trèo lên đỉnh núi thì thấy dấu bàn chân ln in trên tảng đá, dài hơn một thước, đến ngày 17/3 năm ấy bỗng có một bè gỗ lim trôi dạt vào chân núi. Dân làng cho đó là điềm trời bèn dùng gỗ đó dựng đền thờ. Ở chỗ có vết chân đền Thượng thờ thần Độc Cước, lưng chừng núi là đền Trung thờ vị quan dưới thời Lý là Tô Hiến Thành, dưới chân núi là đền Hạ thờ vị thần thời Trần là Hoàng Minh Tự.
Về thần Độc Cước có nhiều sự tích khác nhau, có tích nói là thần là con một người đàn bà chết đuối mà dãy Trường Lệ là hình người đàn bà này. Thần được dân làng cưu mang, nuôi nấng trở thành chàng trai khổng lồ. Thưở đó ở vùng biển này có lũ thủy quái thường làm hại dân chài, nhưng từ khi có chàng đi đánh cá cùng thì lũ thủy quái bị chàng trừng trị, chúng bèn âm mưu chờ chàng đi vắng thì kéo về làng làm hại dân làng.
Từ đó hễ chàng ở nhà thí chúng sát hại người đi biển, hễ chàng đi biển thì chúng hại những người ở nhà. Chàng bèn quyết định đối phó bằng cách xẻ thân mình làm đôi, nửa thân ở một chân ngoài biển, nửa chân ở trong đất liền. Từ đó bọn thủy quái đành chịu không dám phá dân làng. Chàng được nhân dân làm đền thờ và tôn làm thành hoàng. Cái tên Thần Độc Cước là thần “một chân” bắt nguồn từ sự tích đó.
Đền đã qua nhiều năm trùng tu, năm trùng tu xưa nhất ở thượng lương gian tiền đường ghi niên hiệu Chính Hòa (1675 - 1705). Còn tiền đường mới hiện tại có niên đại Tân Mão (1891). Trải qua bao thời gian nhưng đền Độc Cước hầu như vẫn nguyên vẹn với những chiếc cột gỗ lim, gỗ chò và một số đồ thờ, bia, tượng có phong cách nghệ thuật của Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX.
Muốn lên đền phải qua 40 bậc đá, phía sau đền có Môn Lâu dựng năm 1863 bằng gỗ. Trong đền có tượng thần Độc Cước bằng gỗ chỉ có một tay, một chân, chân tượng dựng vững chắc trên hòn đá tảng, tay tượng có cây búa ở tư thế đang vung về phía sau chiến đấu với loài quỷ biển. Đền có hai pho tượng ngựa đúc bằng đồng, cặp tượng phỗng tạc bằng đá khối, nhiều câu đối chữ nho ca ngợi công đức của thần Độc Cước. Độc Cước không chỉ là một ngôi đền đẹp mà còn là một di tích của Sầm Sơn, hấp dẫn đối với du khách trong nước và nước ngoài khi đến tắm mát, nghỉ ngơi ở Sầm Sơn.
1 Thích