Không chỉ có những mùa hoa bạt ngàn thơm ngát, không chỉ có những cung đường đèo nức lòng kẻ chinh phục, những bộ trang phục truyền thống muôn hình vạn vẻ của các dân tộc vùng Tây Bắc cũng là một điểm hút hồn du khách thập phương đến với vùng đất hoa thơm quả ngọt này. Tựa bức tranh đa màu sắc đầy thi vị, những bộ trang phục truyền thống ấy độc đáo như những nét chấm phá đặc sắc tô điểm khắp núi non Tây Bắc, đại diện cho những giá trị thẩm mỹ mà cha ông đã gìn giữ lưu truyền đến ngày nay.
Có thể nói người ta như thấy cả một trời Tây Bắc nguyên sơ đầy sắc màu trên những bộ phục trang của các dân tộc miền núi Tây Bắc. Độc đáo, màu sắc, đầy phong vị tự do là những gì người ta nghĩ về trải nghiệm với những bộ trang phục của đồng bào Tây Bắc. Chúng đủ sắc sảo để khiến người ta ngạc nhiên, đủ tinh tế để khiến người ta xuyến xao, và đủ quyến rũ để khiến người ta nhung nhớ.
Nét chấm phá giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Váy hoa dân tộc H’mông, bông hoa giữa núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Gumi
Bộ trang phục truyền thống của người H’Mông Tây Bắc bao gồm váy hình nón cụt, xếp nếp, phần mông bó chặt, phần thân váy xòe rộng với hai dải thắt lưng buông dài ở phía sau. Người H’Mông sử dụng chủ đạo bốn màu xanh, đỏ, tím, vàng tạo nên các hình họa tiết muôn màu muôn sắc.
Trong đó, họa tiết tập trung chủ yếu ở cổ áo, nẹp áo, thắt lưng và bồ giáo phía trước. Kỹ thuật thêu hoa văn của họ rất phức tạp thể hiện sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ của bàn tay người phụ nữ. Tạo hình các hoa văn trên trang phục phần nào biểu trưng cho cuộc sống hân hoan, niềm tin yêu thiên nhiên mãnh liệt của người H’Mông Tây Bắc.
Chiếc váy muôn màu muôn sắc của dân tộc H’mông - Ảnh: Redsvn
Phụ nữ H’Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy kết hợp với những chiếc váy xòe rộng, nhiều nếp gấp. Họ sử dụng tạp dề khi mặc váy tạo nên những bước chân uyển chuyển, nhịp nhàng đầy quyến rũ.
Phụ nữ H’mông sử dụng thêm tạp dề khi mặc váy - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hòa Bình
Để mang lại nét sang trọng cho người con gái, người H’Mông thường sử dụng nhiều phụ kiện trong cuộc sống hằng ngày, chiếc khuyên tai lấp lánh căng tràn nhựa sống hay những trang sức đeo tay và vòng cổ thể hiện nét đằm thắm, dịu hiền của người phụ nữ.
Trang sức đằm thắm của phụ nữ H’mông Tây Bắc - Ảnh: Tran Khanh
Ai đó đã từng nhận xét, áo chàm của người Tày Tây Bắc là loại trang phục đơn giản nhất trong các loại trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em Việt Nam. Áo truyền thống của người Tày được làm từ những vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên cả trang phục của nam và nữ.
Giản dị trang phục dân tộc Tày - Ảnh: Internet
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lai Châu
Nam giới người Tày thường mặc quần chân què, đũng rộng, cạp lá tọa, áo ngắn may năm thân, cổ đứng, ngoài ra họ còn có áo tứ thân, đây là loại áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở phía trước. Trang phục của nữ giới là chiếc áo cánh, áo dài năm thân, quần váy, thắt lưng, khăn đội đầu và hài vải. Những chiếc vòng bạc được sử dụng như một nét chấm phá nổi bật trên nền chàm tĩnh lặng.
Cận cảnh các bộ trang phục nam nữ truyền thống của dân tộc Tày - Ảnh: Baocaobang
Đơn giản nhưng đầy tính riêng biệt, là những gì người ta cảm nhận về bộ trang phục truyền thống của người Tày, giữa sắc xanh của núi rừng Tây Bắc, bộ trang phục ấy như ẩn như hiện, thể hiện nét sống giản đơn mà đầy xúc cảm.
Nét giản đơn mà đầy xúc cảm trong các bộ trang phục Tày giữa đại ngàn - Ảnh: Baocaobang
Lên Tây Bắc Việt Nam, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của người con gái Thái. Đó là cảm nhận đầu tiên cho những ai đã từng đặt chân lên mảnh đất này. Nét đẹp uyển chuyển với những đường cong tuyệt vời được thể hiện phần nào qua các bộ trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen, nón, khăn piêu, thắt lưng, xà cạp cùng các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích.
Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của các cô gái Thái trong bộ trang phục truyền thống - Ảnh: Sưu tầm
Uyển chuyển nét đẹp cô thôn nữ dân tộc Thái vùng sơn cước - Ảnh: Quinter
Tuy nhiên, nét độc đáo trong trang phục phụ nữ Thái Tây Bắc phải kể đến chiếc khăn Piêu với những họa tiết, sắc màu độc đáo thể hiện tâm tư, tình cảm của người phụ nữ. Không chỉ tạo nên nét nổi bật trên khuôn mặt mà đó còn là thước đo để đánh giá phẩm hạnh, tài năng người con gái Thái ở Việt Nam. Khăn Piêu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt, là biểu vật thiêng liêng bảo vệ linh hồn. Chính vì lẽ đó, tập tục cướp khăn Piêu của người Thái là một cách tỏ tình độc đáo mà đầy ý nhị.
Chiếc khăn Piêu, thước đo phẩm hạnh của người con gái Thái - Ảnh: Maixuricop
Xem thêm: Các tour du lịch Lào Cai giá rẻ
Bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái đã làm nên vẻ đẹp muôn đời, thể hiện nét thẩm mỹ độc đáo, nên thơ của những cô gái vùng sơn cước Việt Nam.
Đẹp nên thơ cô gái Thái cùng chiếc khăn Piêu miền sơn cước - Ảnh: Laichau
Cũng giống như người Tày, trang phục truyền thống của người Nùng lấy màu chàm làm chủ đạo. Không hoa văn cầu kỳ chi tiết, những bộ trang phục truyền thống ấy thiên về tạo dáng với những nét riêng biệt và độc đáo.
Các bộ trang phục Nùng truyền thống lấy màu chàm làm chủ đạo - Ảnh: Laocaigov
Áo của phụ nữ Nùng ngắn ngang thắt lưng, may kiểu xẻ ngực, gồm 4 thân may thành 2 lớp vải, lớp ngoài chọn vải dày, cứng, lớp trong mỏng, mềm, áo cổ tròn có gắn dải hoa văn trên nẹp áo chạy xuôi theo phía nách phải. Điểm nhấn trên bộ trang phục là 12 chiếc cúc bạc con và một chiếc cúc bạc mẹ được tạo hình như những cánh hoa.
Độc đáo trang phục kết hợp với bạc của dân tộc Nùng - Ảnh: Sưu tầm
Các phụ kiện bằng bạc được sử dụng nhiều trên cổ và nẹp áo của người Nùng. Những mảng họa tiết hình vuông, hình quả trám được xếp thành hình tam giác liền kề nhau xen kẽ với những đường thẳng song song nơi gấu áo tạo nên nét hài hòa, ôm lấy thân hình nổi bật của người phụ nữ.
Không dừng lại ở đó, chiếc váy người Nùng được cắt ghép với 12 mảnh vải khác nhau tượng trưng cho 12 tháng trong năm, như thể hiện sự xoay vần của vũ trụ trong đời sống tâm linh.
Áo, yếm, xà cạp, cùng đồ trang sức vàng bạc, khăn vấn đầu, là những yếu tố cấu thành nên bộ trang phục hoàn chỉnh của người dao. Khác với những dân tộc thiểu số ở vùng núi Tây Bắc, phụ nữ Dao không mặc váy, họ sử dụng áo dài yếm kết hợp với quần.
Độc đáo trang phục Dao đỏ - Ảnh: Caobangtv
Nổi bật trên nền áo chàm xanh đầy cuốn hút là những bông hoa đỏ thắm được trang trí trên cổ áo. Người Dao sử dụng khá nhiều hoa văn với những tạo hình phong phú và thú vị, từ chim muông, hoa lá, cỏ cây. Mỗi cách thể hiện là một tâm tư mà người con gái gửi gắm mà bộ y phục của mình. Đó là lý do mà chiếc áo dài được coi là một bộ phận quan trọng trong quan niệm thẩm mỹ của người Dao.
Bộ trang phục thể hiện tâm tư người con gái Dao Tây Bắc - Ảnh: Vovworld
Mặc trang phục truyền thống để nhớ về truyền thuyết xa xưa của thủy tổ, do đó, những họa tiết thể hiện tín ngưỡng vật tổ của dân tộc như hình con chó được thiết kế phổ biến trên những bộ y phục của người Dao. Sử dụng biểu trưng thiêng liêng ấy còn mang ý niệm sâu xa cầu mong sự che chở của tổ tiên trong đời sống thường ngày.
Một chiếc khăn vấn đầu màu trắng với những mảng hoa văn mềm mại là một yếu tố tạo nên sự hoàn mỹ trong bộ trang phục truyền thống của người Dao. Bên cạnh đó, sử dụng các đồ trang sức bằng bạc hình bán cầu, hình sao 8 cánh cũng góp phần tạo nên nét sang trọng, tinh tế của người phụ nữ.
Bộ trang phục cầu mong sự che chở từ tổ tiên - Ảnh: Laodong
Nghệ thuật phối màu độc đáo, những ý tưởng tạo hình thú vị mang đến cho bộ trang phục truyền thống của người Dao một bản sắc riêng, ấn tượng và thi vị đến lạ thường.
Cũng giống một vài dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của người Khơ mú mang ảnh hưởng trang phục của người Thái, bao gồm Khăn Piêu, áo cỏm đen, xài ẻo, váy bằng vải đen. Những một vài nét khác biệt ta bắt gặp ở dân tộc này là cách quấn khăn của phụ nữ người Khơ mú, khăn được quấn quanh đầu, khéo léo khoe phần hoa văn tinh xảo ở phía ngoài.
Trang phục dân tộc khơ mú ở Tây Bắc khéo léo khoe hoa văn trên mũ - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lào Cai
Ngoài ra, dọc hai bên mắc pém trên áo cỏm được trang trí bằng những bộ giải hình mặt trời tròn và mặt trời khuyết, ở giữa đính những đồng tiền bạc như thể hiện lòng thành kính, mong chờ sự che chở của thần mặt trời cho cuộc sống phồn thịnh, hạnh phúc hơn.
Hoa văn trên váy người Khơ Mú cũng thể hiện tính sáng tạo độc đáo với những tạo hình của mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban, phong lan… Trang phục người Khơ Mú vì thế mang âm hưởng khỏe khoắn của núi rừng.
Trang phục mang âm hưởng khỏe khoắn của núi rừng Tây Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Mời bạn xem tiếp
Đi tìm những bộ trang phục độc đáo nhất núi rừng Tây Bắc - Kỳ 2
Đi tìm những bộ trang phục độc đáo nhất núi rừng Tây Bắc - Kỳ 3
Gumi - blog.mytour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn..
- Với văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu và khám phá những bộ trang phục độc đáo, mang tính bản sắc vùng cao.
- Lào Cai là một trong những địa điểm có nhiều bộ trang phục độc đáo nhất ở Tây Bắc. Các bản làng như Tả Van, Tả Phìn, Tả Giàng Phình, Sapa,... đều có những bộ trang phục đặc trưng riêng.
- Bạn có thể đến các bản làng để tìm hiểu và mua những bộ trang phục độc đáo. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua tại các chợ phiên hoặc các cửa hàng địa phương.
- Giá cả của những bộ trang phục độc đáo ở Tây Bắc phụ thuộc vào chất liệu, độ phức tạp và độ hiếm của từng loại trang phục. Tuy nhiên, giá cả thường dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
- Bạn nên tìm hiểu kỹ về chất liệu, cách sử dụng và bảo quản trang phục trước khi mua. Ngoài ra, nên mua tại các cửa hàng uy tín hoặc hỏi ý kiến của người địa phương để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
1 Thích