Dải đất hình chữ S hấp dẫn du khách nước ngoài ghé thăm không chỉ bởi phong cảnh xinh đẹp lay động lòng người, nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà còn bị lôi cuốn bởi nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Nhiều du khách khi nếm thử những món ăn từ cầu kỳ đến đơn giản đều không thể quên được, đặc biệt là hương vị các món làm từ sợi khiến cho thập khách vương vấn mãi không thôi.
Mời bạn xem Điểm danh 7 món sợi ngon nhất đất Việt - Kỳ 1
Thêm một món ăn từ sợi nữa cũng rất phổ biến trong nền ẩm thực nước ta đó chính là mì. Hình dáng của mì hơi giống với miến, cũng được phơi hoặc sấy khô thành từng sợi và cũng thường được dùng trong gia đình nhiều hơn là hàng quán.
Mì thịt bò - Ảnh: sưu tầm
Mì bò kho - Ảnh: sưu tầm
Sợi mì được làm từ bột mì hoặc bột gạo. Nhưng dù bột gạo hay bột mì thì sợi mì đều được hình thành với quy trình giống nhau. Bột được trộn với nước theo một tỷ lệ nhất định, sau đó nhào kỹ, mịn và có độ đàn hồi thì cán thành từng miếng mỏng và dẹt. Sau đó thái thành từng sợi chỉ càng mảnh càng tốt. Đem phơi hoặc sấy khô là chúng ta đã có những sợi mì để làm một bát mì rồi.
Mì xào - Ảnh: sưu tầm
Các loại mì thường có mì tôm, mì bò, mì gà, mì lòng mề, mì nấu với sườn và ngũ quả… Nhưng nổi tiếng nhất trong các món mì phải nhắc đến mì Quảng. Khác với các món mì khác khi ăn thì chan nước ngập mì, mì Quảng lại được ăn khô hơn, chan nước sền sệt chỉ đủ để thấm ướt mỗi sợi mì thôi. Mì Quảng là món ăn nổi tiếng của người dân xứ Quảng, mì thường được ăn kèm với tôm nõn, thịt nạc, trứng, hành khô phi thơm hoặc có thể biến tấu ăn cùng với sủi cảo…
Mì bò nướng thập cẩm - Ảnh: sưu tầm
Mì Quảng - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Nam
Bánh đa cũng là một món ăn ngon và phổ biến ở nước ta nhất là ở miền Bắc. Một tô bánh đa nước đúng điệu cũng giống với phở, bún, miến hay mỳ đó là thành phần không thể thiếu được gồm sợi bánh đa, nước dùng đặc trưng cho mỗi loại bánh đa, thịt hoặc cá và rau ăn kèm.
Bánh đa cua Hải Phòng - Ảnh: Elizabethranger
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hải Phòng
Cận cảnh một bát bánh đa thơm ngon - Ảnh: sưu tầm
Có hai loại bánh đa đó là bánh đa nước và bánh đa trộn. Trong bánh đa nước phải kể đến bánh đa cua của Hải Phòng là một món ăn đặc trưng và rất nổi tiếng. Một bát bánh đa cua ngon, thường mang những màu sắc rất hấp dẫn của gạch cua đồng, màu nâu của bánh đa, màu xanh thẫm của chả lá lốt, xanh tươi của hành lá hòa quyện với sắc đỏ của ớt và vàng rộm của hành phi. Bát bánh đa cua nóng hổi dai dai với vị ngọt của nước dùng cua và xương, vị dai của chả cá, thơm lừng của chả lá lốt sẽ hấp dẫn các thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Gánh bánh đa cua vỉa hè - Ảnh: Fuji123
Tiếp theo là bánh đa trộn, cũng giống với miến trộn, thành phần ăn kèm thường là thịt bò, gà, chả cá, cua, và các loại rau ăn kèm thêm một bát nước dùng được ninh từ tôm nõn nữa là bạn sẽ có một món ăn vô cùng hấp dẫn trong ngày đông lạnh giá rồi đấy!
Nghề tráng bánh đa - Ảnh: sưu tầm
Phơi bánh - Ảnh: Tuan Tran
Hủ tiếu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng trải qua nhiều thế kỷ và có sự giao thoa về văn hóa ẩm thực mà ngày nay hủ tiếu trở thành một món ăn vô cùng quen thuộc đối với người dân Nam Bộ. Nếu ở miền Bắc có phở là một món quà sáng phổ biến thì ở miền Nam lại có hủ tiếu. Do cách phát âm của từng vùng miền mà ở một số nơi của Nam Bộ, hủ tiếu còn được gọi là “hủ tíu”.
Hủ tiếu Nam Vang - Ảnh: Diepskitchen
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu, nước dùng chính là với thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó chần sơ bánh hủ tiếu với nước dùng, rồi cho các nguyên liệu phụ vào như giá đỗ, hẹ, thịt bằm vào. Có thể ăn với thịt bò viên và tương ớt, tương đen.
Hủ tiếu chay - Ảnh: Sưu tầm
Có nhiều loại hủ tiếu như: hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu gõ, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Trung Hoa, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu Sa Đéc. Trong đó thú vị nhất là hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu gõ. Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng lại do người hoa chế biến. Thành phần chủ yếu của món ăn này là hủ tiếu khô, nước dùng được làm từ thịt băm nhỏ, lòng heo. Chần sơ qua sợi hủ tiếu trong nước dùng rồi cho các nguyên liệu vào. Điều làm nên sự khác biệt cho hủ tiếu Nam Vang chính là nước dùng từ thịt bằm.
Hủ tiếu gõ - một hình ảnh quen thuộc ở Sài Gòn - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh
Hủ tiếu gõ dùng để chỉ một loại hủ tiếu bình dân của người bán hủ tiếu dạo. Hủ tiếu không được bán cố định ở một địa điểm và được người bán vận chuyển trên xe đạp hoặc xe máy như những gánh hàng rong vậy. Người bán sẽ dùng một dụng cụ để gõ và phát ra tiếng đặc trưng, dễ nhận biết nên món ăn này được gọi với tên là hủ tiếu gõ. Hủ tiếu gõ là món ăn bình dân đã tồn tại, gắn liền với người dân đô thị, dần trở thành một phần của ẩm thực của những thành phố và nó cũng là loại ẩm thực bình dân và đại trà nhất đại diện cho ẩm thực vỉa hè trong đêm, đặc biệt là tại Hồ Chí Minh.
Nhớ thương hủ tiếu gõ - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Điểm sơ qua một số món ăn được làm từ sợi của Việt Nam cũng đã thấy được nền ẩm thực vô cùng phong phú và đa dạng của nước ta. Hy vọng bài viết đã phần nào chuyển tải được một số thông tin giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quan hơn về nền ẩm thực nước nhà.
Lọ Lem - blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
0 Thích