Mytour blog
Tags:
Cao Bằngphong tục truyền thốngẩm thực cao bằngHội Cốm
06/04/20232.4240

Hội Cốm - Người Tày năm 2024

Hôi Cốm người Tày là lễ hội mang đặc tính, nét văn hóa riêng của những người dân tộc Tày tại các vùng cao. Hội Cốm của người Tày chính là Tết Cốm mừng trăng, mừng mùa cơm mới Tháng Mười để dẫn tới cái Tết Âm lịch hàng năm.
 
Lễ hội mang lại những đặc săc riêng của người Tày, hội Cốm còn là nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.

Người Tày là một trong 54 dân tộc ở Việt Nam, nhóm địa phương Pa dí, Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, thuộc hệ ngôn ngữ Thái-Kadai sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi thấp phía bắc Việt Nam. Người Tày trước đây hay được gọi là người Thổ (tuy nhiên tên gọi này hiện nay được dùng để chỉ một dân tộc khác, xem bài người Thổ). Người Tày có dân số đông thứ 2 ở Việt Nam sau dân tộc Kinh.
 
hội cốm
Cốm được đặt lên bàn

Người Tày thờ tổ tiên và bái vật giáo. Bàn thờ tổ tiên của người Tày đặt chính giữa nhà và làm thành một không gian riêng và được cung kính hết mực. Khách và phụ nữ trong nhà chửa đẻ không được phép ngồi hay nằm trên ghế, giường trước bàn thờ. Họ thường dùng bữa sau 2 giờ chiều và 8 giờ tối. Trong tôn giáo của người Tày, ngày 3/3 âm lịch là ngày tảo mộ, ngày lễ quan trọng nhất của người tày.

Hàng năm cứ vào Rằm Tháng Chín Âm lịch, khi ruộng lúa nếp đã hoe đầu, người Tày thường mở hội Cốm. Nếu Hà Nội với Tết Cốm làng Vòng vào những ngày đầu Thu thì Tết Cốm người Tày muộn hơn, người ta gọi đó là lễ hội đón trăng, hội “Hai”. Cho nên hội Cốm chính là Tết Cốm mừng trăng, mừng mùa cơm mới Tháng Mười để dẫn tới cái Tết Âm lịch hàng năm.
 
hội cốm
Các thiếu nữ đang múa

Đó là những ngày được nhàn hạ vui chơi của trai gái bản sau trọn một năm nắng mưa trên đồng. Chuẩn bị cho hội Cốm, người ta cho dựng một sạp mới ở đầu hồi nhà, giữ cho sạch sẽ vì đó là nơi sẽ mời nàng Trăng xuống chơi. Ngày ấy trai gái hẹn nhau từ rất sớm, tốp con trai thì đi đào đắp lò, đốt lò nướng Cốm, nhóm con gái thì đi chọn ruộng lúa nếp đã vào chắc hạt nhưng vẫn còn mấm sữa, chọn lấy từng bông, rồi bó thành cum.

Lò nướng nhiều hay ít là tùy thuộc vào số người tham gia hội. Thường là năm bảy lò chạy dọc theo bên suối. Các cô gái đem cum lúa về sắp hàng bên suối, dỡ ra rồi nhặt rửa từng bông một. Bông lúa được khỏa trong nước mát sạch bong đem đến xếp bên lò. Lúc này các lò đã đượm than hồng, vỉ liếp đan bằng tre tươi được đặt lên miệng lò, các cô gái xúm quanh đặt mỗi lần năm bông lên vỉ rồi luôn tay lật đi lật lại sao cho hạt nếp chín đều.

hội cốm
Cúng trong nhà

Khi các cum lúa đã nướng hết cho ngay vào loỏng. Loỏng là một máng gỗ dài giống như chiếc thuyền độc mộc nhỏ được đục từ thân gỗ. Trai gái sắp hàng hai bên loỏng cùng nhau giã cốm. Hạt nếp được choỏng rời ra, tróc dần vỏ trấu, màu cốm xanh lộ dần thì cũng là lúc cháy loỏng, tức là dùng chày gỗ gõ vào thành loỏng, dồn cốm đã giã xong, bốc ra nia để thay mẻ khác.

Các chàng trai cô gái từng đôi một vừa dồn cốm vừa cùng nhau đánh nhịp chày với nhau bằng cả hai đầu chày, tạo thành những hình thoi, gọi là động tác nhặt trám, con gái thì rê chày làm động tác dệt cửi. Đó là cuộc vui chơi đầy phấn khích kéo dài suốt buổi chiều hôm của ngày hội Cốm, trong cái se lạnh chớm đông của núi rừng.
 
hội cốm
Hạt cốm
 
 
Cốm giã xong được sàng sảy cho sạch trấu và tra vào những đôi sọt có lót lá giáy để hơi mát của lá giữ cho cốm được mềm. Khi cốm đem về sạp, một phần sẽ được gói lại vẫn bằng lá giáy, chuẩn bị cho mâm lễ mời nàng Trăng. Một cô gái trẻ đẹp mặt bộ áo quần mới được giao cho việc thắp hai nén nhang gài vào đầu sọt, miệng ngọt ngào hát mời:

“Mời nàng Trăng xênh xang
Mời nàng Trăng xuống trần
Nàng Trăng xuống chơi với trai gái trần gian
Xuống kết bạn tình với người trần gian”

Khúc hát chỉ có thế, lời hát chỉ có vậy mà họ cứ hát đi hát lại. Cuộc hát cứ kéo dài mãi bên dòng suối, tưởng như không có điểm dừng, cho đến khi các chàng trai hạ chày theo nhịp chập xòe như múa sạp để các cô gái nhảy điệu bẫy hươu thì trăng đã treo đầu bản.

Gái trai theo ánh trăng dẫn đường đem cốm về trên sàn dưới sạp. Cốm tiếp tục được ép thành nén, cũng có cốm để rời. Cốm gói được đặt lên bệ thờ, phần còn lại thì già trẻ trai gái ra sàn cùng hát về Nàng Hai (Nàng Trăng), ngắm trăng và cùng ăn cốm.

Ăn thì ít, trò chuyện ngắm trăng thì nhiều. Trai gái trong bản bắt quen nhau từ khi giã cốm, lúc này kết thành đôi lượn cọi hát khặp. Từng đôi mắt ướt ánh trăng rằm đăm đắm nhìn lên bầu trời xa xôi muôn triệu vì sao, gửi gắm tình yêu vào Nàng Hai và muôn vì tinh tú.
 
hội cốm
Những ngôi nhà của người Tày giữa núi rừng xanh mướt

Một mùa cốm qua, nhờ Nàng Trăng họ sẽ thành đôi lứa. Và đến mùa cốm năm sau, trai chưa vợ gái chưa chồng lại đi hội Cốm, ăn Tết Cốm, lại gõ loỏng, lại hát mời Nàng Trăng xuống làm bạn tình, để lại được có duyên may.

Mỗi năm là một hội Cốm đi qua. Mùa hội năm sau lại thêm những gương mặt mới cùng nhau học đánh chày điệu nhặt trám, lại được rê chày điệu dệt cửi, lại say sưa lượn cọi, hát khặp.

Hội Cốm thoát ra ngoài ý nghĩa ẩm thực đời thường, nó trở thành ngọn lửa thắp sáng tình yêu muôn đời cho những đứa con của núi rừng. Hội Cốm của người Tày như muốn nói với ta, hãy biết sống, biết yêu và giữ lấy ngọn lửa nguồn.
Các câu hỏi thường gặp
Hội Cốm là gì?
Hội Cốm là một lễ hội truyền thống của người Tày ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, được tổ chức vào mùa thu hàng năm để tôn vinh cây cốm và văn hóa ẩm thực của người Tày.
Cốm là gì?
Cốm là một loại gạo nếp non được hái vào mùa thu, sau đó được rang và giã nhỏ để tạo thành hạt cốm. Cốm có mùi thơm đặc trưng và được sử dụng trong nhiều món ăn của người Tày.
Khi nào diễn ra Hội Cốm?
Hội Cốm thường diễn ra vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 âm lịch hàng năm, tùy vào thời điểm cây cốm chín.
Hội Cốm có những hoạt động gì?
Hội Cốm có nhiều hoạt động như: lễ hội, trình diễn văn hóa, triển lãm sản phẩm, chương trình văn nghệ, thi đua nấu cốm, đua thuyền trên sông, vận động thể thao dân gian, và các hoạt động vui chơi giải trí khác.
Hội Cốm có ý nghĩa gì đối với người Tày?
Hội Cốm là dịp để người Tày tôn vinh và giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là cơ hội để giao lưu, học hỏi và tăng cường tình đoàn kết giữa các bộ tộc trong vùng.

0 Thích

Đánh giá : 4.3 /478