Bạn đã nghe tới miền Bắc với những cảnh đẹp của núi non trùng điệp, của các hòn đảo, bờ biển, hay những không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Vậy bạn đã nghe tới những cung đường gây “thót tim” cho những kẻ lữ hành?
Những con đường “thót tim” ở miền Bắc - Ảnh: Nam Chấy
Chắc hẳn bạn đã từng nghe thuật ngữ này rất nhiều lần, dùng cho 4 con đèo nổi tiếng vùng núi phía Bắc là Mã Pí Lèng – Hà Giang, Ô Quy Hồ – Lào Cai, Pha Đin – Điện Biên và Khau Phạ – Yên Bái.
Đèo Ô Quy Hồ - Ảnh: Le Hong Ha
Mỗi con đèo có một lịch sử riêng, độ dài khác nhau nhưng đều mang sự thách thức từ những khúc cua tay áo, độ dốc và rất nhiều chướng ngại địa hình khác. Đèo miền Bắc chắc chắn là nỗi e ngại với bất kỳ ai, tuy nhiên sẽ là một trải nghiệm thú vị mà bất kỳ ai cũng muốn hướng đến khi du lịch miền Bắc.
Đèo Pha Đin - Ảnh: Le Hong Ha
Không biết từ bao giờ, Tà Nhì, Chế Tạo, Lìm Mông, bản Mù cao đã được dân du lịch bụi gán cho cái tên Tứ Đại Tử Địa vùng Tây Yên Bái do những con đường hiểm trở, bên núi cao, bên vực sâu đầy thách thức.
Đường đến với Chế Tạo - Ảnh: Le Hong Ha
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Yên Bái
Tà Nhì bao gồm các xã Tà Si Láng, Phình Hồ, Làng Nhì, Háng Tề Chơ; con đường vào xã Chế Tạo lọt thỏm rừng nguyên sinh lầy lội trơn trượt mùa mưa; bản Lìm Mông cao chót vót trên đỉnh thung lũng Tú Lệ; xã bản Mù với 3 thôn bản Tàng Kinh, Giàng La Pán, Háng Chi Mua chót vót cao tận mây xanh.
Cung đường tứ đại tử địa hiểm trở - Ảnh: quycoctu
Cảnh đẹp tuy không có gì nhiều, nhưng tứ đại tử địa này lại hấp dẫn bởi độ khó khăn, mạo hiểm và những trải nghiệm không dễ gì có được khi đến với vùng xa nghèo khó của Tổ quốc.
Cảnh nhà cửa đơn sơ - Ảnh: Le Hong Ha
Đầu tiên, phải kể tới con đường Mậu Duệ – Du Già, đồng thời là tên 2 xã thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Cung đường này uốn lượn 73 km quanh các ngọn núi, lởm chởm đá và dốc lên xuống không ngừng. Núi ẩn lấp trong sương, ruộng bậc thang mơn mởn bình lặng, cảnh đẹp nhẹ nhàng đối nghịch với sự khó khăn mà cung đường mang lại, ắt hẳn là một cảm giác vô cùng thú vị.
Cảnh sắc trên cung đường Mậu Duệ - Du Già - Ảnh: quoctuankid
Kế đến là Sì Lờ Lầu – theo tiếng Dao đỏ nghĩa là “12 tầng dốc”, nằm chót vót ở độ cao 2000m so với mực nước biển, thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Mùa mưa con đường này sạt lở gây tắc nghẽn, và bởi vì hẻo lánh nên địa danh này đến dân bản địa còn ít biết. Khỏi phải nói về độ khó, chinh phục 12 tầng dốc này chắc chắn tốn không ít thời gian và công sức của ngay cả tay lái cứng nhất.
Gian nan đường tới Sì Lờ Lầu - Ảnh: Mai Thanh Hải
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lai Châu
Con đường ngược dòng sông Đà, thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng là một trải nghiệm nên thử nếu muốn có cảm giác “thót tim”. Từ địa phận TP Lai Châu tới trung tâm huyện Mường Tè có đoạn đường 70km toàn dốc đá, kế đến là những đoạn đường đất bụi mù mịt để tới Kẻng Mỏ – tìm về mốc 16 17 và 18 nơi thượng nguồn con sông Đà.
Tìm về thượng nguồn sông Đà - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Thêm đó là đoạn đường Ka Lăng – Thu Lũm nối tiếp Kẻng Mỏ, con đường biên giới uốn lượn ngoằn ngoèo đầy những dốc đứng, ngắn gây cảm giác “hẫng” nếu chưa quen tay lái.
Người dân Thu Lũm - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La) cũng sở hữu một con đường mà dân du lịch bụi chỉ có nước khóc ròng nếu gặp trúng trời mưa. Nếu may mắn từ đầu thì gửi xe từ ngoài đi bộ vào, còn khi đã đưa xe vào thì đường ra quả thật khó khăn. Dốc cao trơn trượt không chỗ bấu víu, đi bộ thôi cũng ngã liên tục, đẩy kéo xe mất cả ngày mới ra tới đường quốc lộ mà không tin nổi đoạn đường vừa vượt qua chỉ 20km.
Đường vào đồn biên phòng Pha Luông - Ảnh: Heo Bờ Rồ
Hay Háng Đồng (Phù Yên, Sơn La) gần như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi sự gian nan phải đối mặt mỗi khi ra vào khu vực này. Dẫu đẹp với biển mây bốn mùa trắng toát, nhưng Háng Đồng vẫn làm chùn chân những kẻ yêu khám phá.
Gian nan Háng Đồng - Ảnh: Nam Chấy
Nổi tiếng nhất phải kể tới là Dốc Chín Khoanh, đoạn đường đèo uốn lượn trên đường vào Mèo Vạc, Hà Giang với đúng 9 khoanh đèo đều là những khúc cua tay áo đáng gờm.
Dốc Chín Khoanh - Ảnh: ovuong
Hà Giang còn có Dốc Bắc Sum – nổi tiếng trong câu nói: “Dốc Bắc Sum, hùm Cán tỷ, phỉ Đồng Văn”, nằm giữa hai huyện Quản Bạ và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, cũng là cửa ngõ rất cheo leo và hiểm trở để đi tới Cao nguyên đá Đồng Văn.
Dốc Bắc Sum - Ảnh: ovuong
Chinh phục Cực Bắc Việt Nam
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Giang giá rẻ
Ngày nay, tuy được quan tâm cải tạo nhiều, nhưng những cung đường “thót tim” với dân phượt vẫn là những biểu tượng không thể quên, là bước đệm cho hành trình khám phá những vùng đất mới về sau. Bởi nhờ có những cung đường đó, mới có bản đồ du lịch bụi, thúc đẩy du lịch Việt Nam như hiện nay.
Hoa Cát – blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
- Cung đường Đồng Văn - Mèo Vạc được coi là đẹp nhất với những khung cảnh đồi núi, thác nước, đồng cỏ và những ngôi nhà cổ truyền.
- Nếu bạn là người có kinh nghiệm lái xe trên đường núi đèo thì có thể tự lái xe. Tuy nhiên, nếu không tự tin thì nên thuê xe tự lái hoặc xe ô tô du lịch để đảm bảo an toàn.
- Không nên đi vào mùa đông vì đường đi rất nguy hiểm và khó khăn do tuyết phủ nhiều.
- Có nhiều điểm đến khác như Sapa, Mộc Châu, Tam Đảo, Mai Châu, Hạ Long, Cát Bà,...
- Không nên đi du lịch miền Bắc trong mùa mưa vì đường đi sẽ rất trơn trượt và nguy hiểm. Ngoài ra, cảnh quan cũng không đẹp như trong mùa khác.
0 Thích