Mytour blog
Tags:
Biển Tam Thanh Quảng Namthành phố Tam Kỳ Quảng NamThánh Địa Mỹ Sơn Quảng Namđặc sản Quảng Namẩm thực quảng nam
06/04/20233.4820

Những đôi tay tài hoa của làng mộc Kim Bồng năm 2024

Làng Mộc Kim Bồng từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng đi cùng với phố cổ Hội An, không những thu hút người yêu nghệ thuật , người buôn bán mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương muốn chiêm ngưỡng những nét đặc sắc văn hoá của một làng nghề truyền thống lâu đời. Làng nghề này được hình thành từ thế kỷ thứ 15, hiện đã có hơn 600 năm tuổi, có ông tổ nghề là người từ xứ Thanh Nghệ di cư vào vùng đất Quảng lập nghiệp.

 

Làng Mộc Kim Bồng bên bờ sông Hoài Hội An

Làng Mộc Kim Bồng bên bờ sông Hoài Hội An - Ảnh: Sưu tầm

 

Làng mộc Kim Bồng thuộc xã đảo Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn. Từ Hội An lên thuyền, xuôi theo dòng sông Thu Bồn một đoạn sẽ đến được xã đảo Cẩm Kim, gặp ngay cổng chào “Làng Mộc Kim Bồng” dành cho thuyền du lịch, còn bình thường thuyền ngư dân hay thương gia phải neo ở một bến khác. Vừa đặt chân lên vùng đất này, bạn sẽ nghe tiếng đục đẽo, khoan cắt văng vẳng từ xa, đó vốn là những âm thanh không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của dân làng Kim Bồng.

 

Cá chép gỗ được làm bởi các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng

Cá chép gỗ được làm bởi các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng - Ảnh: sưu tầm

 

Các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng ngày nay vẫn tự hào vì ngày xưa đích thân vua nhà Nguyễn đã mời cha ông của họ ra kinh đô Huế để tham gia kiến tạo những công trình đền đài kinh thành bề thế. Ngày nay nhờ địa thế sông nước thuận lợi, các sản phẩm của làng mộc Kim Bồng đã được đưa đến khắp mọi miền đất nước, và đi qua thương cảng Hội An để đến với bạn bè quốc tế.

 

Phụ nữ cũng có thể làm nghệ nhân mộc

Phụ nữ cũng có thể làm nghệ nhân mộc - Ảnh: Hai Che

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hội An

 

Mặc dù hình thành từ thế kỷ thứ 15 nhưng phải đến cuối thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ 17 làng mộc Kim Bồng mới bắt đầu vang danh nhờ sự phát triển của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ thứ 18, đây có thể xem là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của làng nghề này khi nghề mộc được chia làm 3 nhóm rõ rệt: nghề mộc xây dựng công trình kiến trúc đô thị, nghề mộc đóng tàu thuyền bằng gỗ và nghề mộc dân dụng. Ở Hội An ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ như chùa, hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc… từ các thế kỷ trước chính là minh chứng rõ ràng nhất cho các thành tựu rực rỡ của làng nghề Kim Bồng từ quá khứ.

 

Các công trình cổ của Hội An đa số làm bằng gỗ

Các công trình cổ của Hội An đa số làm bằng gỗ - Ảnh: asiaindochina

 

Đã từng có thời kỳ làng mộc Kim Bồng dường như ngủ yên, làng nghề có nguy cơ thất truyền do tình hình chiến sự, nhưng may thay nhờ có sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và sự tâm huyết của các nghệ nhân mà làng mộc Kim Bồng vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Các nghệ nhân Kim Bồng đang tỉ mỉ tạc một tấm biển hiệu

Các nghệ nhân Kim Bồng đang tỉ mỉ tạc một tấm biển hiệu - Ảnh: hivietnam

 

Ngày nay cơ cấu làng nghề đã có nhiều thay đổi. Vẫn còn đó những đôi tay tài hoa tạo nên các tuyệt tác kiến trúc bằng gỗ và những con tàu chắc chắn chở ngư dân xứ Quảng ra khơi, nhưng theo xu hướng phát triển kinh tế, một bộ phận nghệ nhân chuyển hướng sang làm đồ mộc mỹ nghệ để phục vụ cho khách du lịch và mang đi phân phối khắp mọi miền đất nước.

 

Đến đây, du khách sẽ có cơ hội được mục sở thị các xưởng mộc, được tận mắt trông thấy những hình thù chạm trổ tinh xảo được những đôi bàn tay tỉ mẩn đục đục đẽo đẽo. Nhìn chung các tác phẩm của làng mộc Kim Bồng có nét mộc mạc, hài hoà và tinh tế như chính bản tính của những người con đất Quảng.

 

Các tác phẩm chạm trổ rất tinh xảo

Các tác phẩm chạm trổ rất tinh xảo - Ảnh: vutran1981

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Nam

 

Riêng đối với nghề mộc đóng thuyền ở Kim Bồng thì cũng đang dần mai một do nhu cầu vận chuyển càng ngày càng lớn, người dân cần những con thuyền chắc chắn, nhẹ hơn và không bị mục theo thời gian như gỗ nên lựa chọn các chất liệu khác. Còn thuyền mộc chủ yếu để đóng thuyền nhỏ đi trên sông hoặc thuyền du lịch.

 

chiến binh

Một “chiến binh” đang được tạo nên - Ảnh: Hai Che

 

Đối với đồ mộc mỹ nghệ thì chủ yếu là các loại tượng gỗ và các vật dụng dùng trong sinh hoạt hằng ngày hoặc trưng bày, làm đồ lưu niệm.  Các loại tượng được tạc nhiều nhất là tượng các vị thần, phật theo tín ngưỡng dân gian của người dân Việt.

 

Một góc trưng bày sản phẩm của làng mộc Kim Bồng

Một góc trưng bày sản phẩm của làng mộc Kim Bồng -  Ảnh: Heo Lười

 

Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Quảng Nam

 

Tượng Phật là sản phẩm phổ biến nhất của mộc mỹ nghệ làng Kim Bồng

Tượng Phật là sản phẩm phổ biến nhất của mộc mỹ nghệ làng Kim Bồng - Ảnh: Hivietnam

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hội An - Quảng Nam

 

Làng Mộc Kim Bồng tuy đã có nhiều thay đổi trong cách thức kinh doanh, nhưng vẫn còn đó những nét tinh hoa của làng nghề truyền thống lâu đời, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá lịch sử.  Đã đến Hội An chiêm ngưỡng phố cổ thì bạn đừng nên bỏ lỡ việc đến thăm cái nôi của các công trình kiến trúc cổ đó nhé.

 

Daisy - Mytour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.

0 Thích

Đánh giá : 4.8 /324