Mytour blogimg_logo
Tags:
lễ hội sự kiệndu lịch lễ hộilễ hội chùa hươnglễ hội yên tửhội lim
06/04/20233.1650

Những lễ hội lớn trong mùa xuân ở Việt Nam - Kỳ 1 năm 2025

Những cánh chim trời báo hiệu mùa xuân về trên mọi miền tổ quốc để ta thấy trong hương thanh khiết của đất trời, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa khoe sắc mĩ miều. Rồi người người lại tất bật gói ghém lại những bộn bề của năm cũ, lòng hân hoan chờ đợi một mùa mới đang về, chờ một cái Tết đoàn viên, nhà nhà sum họp. Và trong thời khắc xuân sang ấy, người ta lại nô nức rủ nhau cùng hòa vào bầu không khí rộn ràng của các lễ hội cổ truyền, để lòng gợi nhớ về cội nguồn xa xưa và tự hào hơn khi những vẻ đẹp văn hóa tự nghìn xưa vẫn được gìn giữ tới mãi tận sau này.

 

Mùa xuân là mùa của lễ hội

Mùa xuân là mùa của lễ hội - Ảnh: Akari nghèo mạt rệp

 

Những lễ hội lớn mùa xuân không chỉ đại diện cho phong tục tín ngưỡng của một dân tộc, mà đó còn là cách mà thế hệ con cháu hôm nay thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân đi trước. Đó cũng là nơi mà mỗi con người gửi gắm những niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no.

 

Để thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đi trước

Để thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đi trước - Ảnh: Sưu tầm

 

1. LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG – HÀNH TRÌNH VỀ VỚI MIỀN ĐẤT PHẬT

 

Cứ vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm, chùa Hương lại bắt đầu khai hội và kéo dài cho tới hết tháng 3. Để rồi, trong những ngày đầu năm rộn rã, người ta lại chứng kiến cảnh hàng triệu Phật tử từ khắp nơi nô nức kéo nhau về trẩy hội chùa, mong được dâng lên Quan Thế Âm Bồ Tát một nén tâm hương, và nguyện cầu cho những điều may mắn trong năm mới.

 

Chùa Hương bắt đầu khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng

Chùa Hương bắt đầu khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng - Ảnh: Nam Tòi

 

Thu hút hàng triệu Phật tử từ khắp nơi về trẩy hội chùa Hương

Thu hút hàng triệu Phật tử từ khắp nơi về trẩy hội - Ảnh: Vien Vo

 

Lễ hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, và được xem là một trong những lễ hội gây tiếng vang lớn nhất tại miền Bắc, nơi thể hiện đủ đầy nhất những đặc trưng của hệ thống tín ngưỡng Việt Nam nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận được những khía cạnh khác của tình yêu thiên nhiên, tình yêu nam nữ và cả tình cảm cộng đồng.

 

Chùa Hương - Nơi mà ta bắt gặp những đặc trưng của hệ thống tín ngưỡng Việt Nam

Nơi mà ta bắt gặp những đặc trưng của hệ thống tín ngưỡng Việt Nam - Ảnh: Ben Zabulis

 

Vậy nên, lên chùa Hương vào dịp đầu xuân, chẳng còn ai ngạc nhiên khi bắt gặp khung cảnh từng đoàn người lên xuống, lẩn khuất giữa những rừng hoa mơ đang nở trắng trời, khiến ta có cảm tưởng như đó là những nét chắp bút đầy ngẫu hứng của mẹ thiên nhiên trên nền của những dải mây trắng.

 

Và cùng hòa vào dòng người rộn ràng lên xuống chùa Hương

Và cùng hòa vào dòng người rộn ràng lên xuống - Ảnh: Jan Löfgren

 

Vang vọng trong khắp không gian là tiếng nói cười rộn rã, là những lời chúc năm mới an lành. Chẳng kể lạ quen, cứ gặp nhau trên con đường đi trẩy hội, người ta lại vui vẻ chào nhau “Nam mô a di đà” đầy tình cảm.

 

Chùa Hương - Để tiếng chào giữa những người xa lạ cũng khiến lòng thêm ấm áp

Để tiếng chào giữa những người xa lạ cũng khiến lòng thêm ấm áp - Ảnh: Trần Chuyên

 

Và rồi trên dòng sông Yên êm đềm, những chiếc thuyền độc mộc chở theo những người lữ khách lại yên ả trôi dòng, đưa con người vãng cảnh chùa nhưng lại khiến người ta nghĩ mình đang lạc chốn non tiên cõi Phật, quay ngược thời gian, trở về với nguồn cội xa xưa, thấy lòng chợt an yên quá đỗi, mọi muộn phiền như thoảng theo gió mây, chỉ còn lại những tin yêu, những hy vọng ngập tâm hồn.

 

Và rồi ta lại gặp những đoàn thuyền chở khách trên dòng suối Yến mộng mơ

Và rồi ta lại gặp những đoàn thuyền chở khách trên dòng suối Yến mộng mơ - Ảnh: VivuTravel.net

 

Đưa người lạc bước non tiên cửa Phật chùa Hương

Đưa người lạc bước non tiên cửa Phật - Ảnh: Quang Le

 

Khám phá chùa Hương

 

Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội giá rẻ

 

2. LỄ HỘI YÊN TỬ - LINH THIÊNG MỘT CÕI ĐI VỀ

 

“Sườn non Yên Tử cheo leo

Xanh xanh núi thẳm mây đèo giăng giăng

Lần viếng tổ tâm thành dấn bước

Nấc thạch thang mẹ trước con sau

Quanh co vách ngược dốc sâu

Mây ngưng gió cuốn chim ca bướm vờn”

 

Yên Tử - Linh thiêng một cõi đi về

Linh thiêng một cõi đi về - Ảnh: Shan Chen

 

Đã từ rất lâu, Yên Tử đã được xem là trung tâm Phật giáo của đất nước, nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Và cho tới hôm nay, cứ mỗi độ xuân về, Phật tử khắp nơi lại tìm về Yên Tử, để hưởng chút phúc phận từ tấm lòng thành từ bi của các đấng thần linh và để lòng thoát khỏi chốn trần tục, đi về một cõi linh thiêng trong truyền thuyết.

 

Yên Tử - Thu hút hàng ngàn người về trẩy hội mỗi dịp xuân sang

Thu hút hàng ngàn người về trẩy hội mỗi dịp xuân sang - Ảnh: Sưu tầm

 

Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mồng  tháng Giêng âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 3.  Bắt đầu lễ hội là phần nghi thức long trọng diễn ra dưới chân núi Yên Tử và sau đó là khung cảnh hàng ngàn Phật tử hành hương trẩy hội lên đỉnh núi cao cao.

 

Lễ hội Yên Tử bắt đầu bằng nghi thức long trọng diễn ra dưới chân núi

Lễ hội Yên Tử bắt đầu bằng nghi thức long trọng diễn ra dưới chân núi - Ảnh: Sưu tầm

 

Hành trình lên Yên Tử là cuộc hành hương đầy ý nghĩa đầu năm để con người kiểm chứng lòng thành, để thử thách đức tin và sau xa hơn nữa là tìm về cõi Phật linh thiêng để hòa mình trọn vẹn trong bầu không gian huyền bí của một vùng đất thiêng được truyền tụng từ bao đời.

 

Rồi sau đó từng dòng người lại rộn ràng hành hương lên đỉnh Yên Tử xa xăm

Rồi sau đó từng dòng người lại rộn ràng hành hương lên đỉnh Yên Tử xa xăm - Ảnh: Sưu tầm

 

Nhưng hành trình lên Yên Tử cũng khiến bao kẻ lữ khách phải say mê bởi thiên nhiên hùng vỹ nhưng cũng đầy chất thơ tình. Đâu đó là những con đường uốn lượn men theo triền núi, lẩn khuất dưới những tán cây cổ thụ già rồi xuyên qua những vạt rừng thông đang vi vu ca hát trong tiếng gió xuân.

 

Để hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ của đất trời Yên Tử

Để hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ của đất trời - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 69% tại Quảng Ninh

 

Và rồi, khi lên đến đỉnh Yên Tử linh thiêng, người ta cứ ngỡ mình đang lạc bước trong một thế giới thần tiên, nơi mà các bậc tiền nhân xưa luận đàm kinh kệ.  Lòng chợt lâng lâng trong những xúc cảm không lời, thấy bình yên trong sâu tận đáy tim, và chợt thấy tự hào hơn về những giá trị nhân văn được gìn giữ trong một lễ hội truyền thống của mùa xuân.

 

Yên Tử - Và cầu mong những phước lành cho mùa mới

Và cầu mong những phước lành cho mùa mới - Ảnh: Sưu tầm

 

3. HỘI LIM – ĐẾN HẸN LẠI VỀ

 

“Mùa xuân nay lại về tìm,

Bắc Ninh quan họ hội Lim quê nhà.

Tiên Du làn điệu dân ca,

Tháng giêng mở hội mười ba chính ngày.”

 

Hội Lim - Đến hẹn lại lên

Đến hẹn lại lên - Ảnh: Sưu tầm

 

Một lễ hội lớn được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm tại Tiên Du, Bắc Ninh, nơi mà ta tìm lại những nét đặc trưng nhất của vùng Kinh Bắc khi xưa. Để khi tiếng chuông mùa xuân gõ nhịp, khi cả nước nô nức trong không khí của mùa xuân, người ta lại hẹn nhau về Hội Lim để cảm nhận cái tình đời tình người, dân dã, đời thường nhưng cũng đầy chất thơ.

 

Ta về Tiên Du để hòa vào không khí lễ hội của vùng Kinh Bắc

Ta về Tiên Du để hòa vào không khí lễ hội của vùng Kinh Bắc - Ảnh: Simpleman ( Nguyen Pmr )

 

Về với Hội Lim không chỉ để chiêm ngưỡng các nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như rước, tế lễ các thành hoàng làng, các vị thần liệt nữ và hòa mình vào những trò chơi dân gian đặc sắc như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên mà hơn hết về với Hội Lim, người ta mong chờ được thưởng thức những màn hát giao duyên mang đậm cái ân tình đất Bắc.

 

Hội Lim - Để chiêm ngưỡng những nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa  vùng miền

Để chiêm ngưỡng những nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền - Ảnh: Akari Nghèo mạt rệp

 

Và hòa mình vào những trò chơi dân gian từ thuở trước ở Hội Lim

Và hòa mình vào những trò chơi dân gian từ thuở trước - Ảnh: Anh: Chu Viet Ha

 

Rồi xuyến xao trong những màn hát giao duyên mang đậm ân tình đất Bắc

Rồi xuyến xao trong những màn hát giao duyên mang đậm ân tình đất Bắc - Ảnh: changtraikinhbac_pqt

 

Dường như ở bất cứ nơi đâu, từ đồi Lim với mây ngàn gió thoảng tới những con đường làng yên ả, từ sân đình, cửa chùa cho tới những bến sông quen, ta đều có thể bắt gặp hình ảnh những liền anh liền chị trong chiếc áo truyền thống, đang nô nức đi trẩy hội xuân, lòng chợt lâng lâng theo sắc áo rực màu, xuyến xao khi ngắm nhìn những khuôn mặt đang ngập tràn trong hạnh phúc.

 

Hội Lim - Để thấy lòng lâng lâng trong sắc áo rực màu

Để thấy lòng lâng lâng trong sắc áo rực màu - Ảnh: Sưu tầm

 

Về với Hội Lim, đắm mình trong câu ca quan họ ân tình, để nhận đủ đầy hơn về tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, tình cảm lứa đôi và để tự hào hơn về những truyền thống văn hóa ngàn đời dân tộc, mãi trường tồn dù bao thăng trầm của cuộc đời.

 

Hội Lim - Và tự hào hơn về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc

Và tự hào hơn về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bắc Ninh

 

Mời bạn xem thêm: Những lễ hội lớn trong mùa xuân ở Việt Nam - Kỳ 2

 

Dandelion – blog.mytour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.

0 Thích

Đánh giá : 4.5 /424