Đã hơn 40 năm kể từ ngày non sông thu về một mối, ấy thế mà mỗi năm, cứ đến ngày 30/4 lịch sử, con dân Việt Nam vẫn dâng dâng lên nỗi xúc động xen lẫn tự hào về những tháng năm đã trải qua. Còn gì ý nghĩa hơn là việc dành những ngày nghỉ lễ quý báu để đặt chân lên những mảnh đất gắn liền với chiến thắng 30/4 oai hùng và bi tráng của dân tộc. Ắt hẳn, chuyến hành trình ấy sẽ rất nhiều điều đáng nhớ.
Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập năm nào. - Ảnh: Sưu tầm
Ghế nhà trường có thể không làm học sinh yêu thích môn lịch sử nhưng chắc chắn ấn tượng với hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên nóc Dinh, thay thế cho lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đã trở thành một hình ảnh đẹp trong ngày 30/4 mà nhiều người còn nhớ, còn nhắc tới. Dinh Độc Lập vừa là biểu tượng chiến tranh nhưng cũng là biểu tượng hòa bình.
Trước ngày đất nước bình yên. - Ảnh: Sưu tầm
Ngày hôm nay, khoác lên mình bộ áo an nhiên, lãnh đạm với sóng gió tấp nập nơi Sài Gòn hoa lệ, Dinh Độc Lập là chỗ đi về cho người chiến binh, là chứng nhân lịch sử để lớp trẻ đời nay tư lự. Một chiều vàng đầu hạ, giữa những ngày đất nước hân hoan kỷ niệm giải phóng, nếu ở Sài Gòn, nếu ghé Sài Gòn thì bớt chút thời gian tới nơi đây mà dạ quanh thảm cỏ xanh ngày độc lập và ngắm nhìn ký ức của một thời đã qua. Hẳn là 30/4 này sẽ có thêm nhiều câu chuyện để kể, nhiều cảm xúc mà dằn lòng.
Màu xanh bình yên của Dinh Độc Lập hôm nay. -Ảnh: dinhdoclap
Hẳn nhiều người bất ngờ với cái tên này. Nhưng Tân Sơn Nhất ngày ấy cũng phải chịu nhiều thương đau lắm để chúng ta có một ngày 30/4 trọn vẹn như hôm nay. Sân bay của ngày tháng lịch sử ấy là những cuộc rút lui của Mỹ, những cuộc di tản của người Việt, của những em bé Việt Nam; cuộc đào tẩu của những kẻ đứng đầu…
Quân ta tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Bom đã rơi trên nền Tân Sơn Nhất rất nhiều vào những ngày ấy, không ít người chết, không ít chia lìa. Ngày hôm nay, dễ thường Tân Sơn Nhất là nơi đầu tiên đón chúng ta đến với nắng rực rỡ của Sài Gòn nhưng với nhiều người đó là nỗi đau không thể xóa nhòa.
Những đứa trẻ Việt Nam trên máy bay rời đất nước. - Ảnh: Sưu tầm
Sau gần nửa thế kỷ, những đứa trẻ năm nào tìm về chốn cũ nơi họ ra đi để tìm về giọng nói quen thuộc. Chuyến hành trình ấy liệu có như ước nguyện hay không tôi không rõ. Chỉ biết thầm mong rằng, Tân Sơn Nhất hôm nay không chỉ là nơi để người ta bắt đầu những chuyến du ngoạn mà còn là nơi để người đi xa thấy được chào đón khi trở về.
Tân Sơn Nhất của hôm nay. -Ảnh: Hữu Nhơn Trần
Cách Sài Gòn chừng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi xây dựng trên vùng “đất thép” nơi điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh từ lâu đã được người Việt nhắc tới như một chứng tích lịch sử và sự bất khuất, kiên cường của nhân dân anh hùng. Thật không thể nào hình dung nổi ngày xưa các cụ làm thế nào để đào nên địa đạo này cũng như sống như mầm đá ở nơi đây. Những hình ảnh về Củ Chi khiến nhiều người xót xa, kinh ngạc. Cúi thấp người, bước từng bước nhỏ nhỏ nơi địa đạo, trong đầu tự thấy thán phục trước động lực sống mạnh mẽ của người Việt.
Lát cắt địa đạo của Chi. -Ảnh: Cherrieswriter
30/4 này, đi qua và ngắm nghía những thứ còn đọng lại nơi đất Củ Chi, ta thấy yêu thêm từng ánh nắng mỗi ngày, từng nhành cây ngọn cỏ cùng trời xanh. Hóa ra lâu nay ta không biết rằng, được sống bình an trên mảnh đất quê hương cũng đã là điều hạnh phúc.
Ánh đèn nơi Củ Chi hôm nay. -Ảnh: duli
Ngày giải phóng Miền Nam 30/04/1975
Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh giá rẻ
Giờ đây, thay vì cái tên địa ngục trần gian, nhiều người xem Côn Đảo như là thiên đường để nghỉ dưỡng. Nhưng có lẽ dù hàng trăm năm nữa qua đi, dấu vết chiến tranh hằn lên tiếng kêu đau đớn nơi nhà tù Côn Đảo vẫn còn là nỗi khiếp sợ với nhiều người.
Một góc của hệ thống nhà tù ngày ấy. - Ảnh: Sưu tầm
Côn Đảo, nơi nhà tù tàn nhẫn nhất lịch sử ra đời. Máu thịt in hằn lên từng bức tường, từng khung sắt. Những âm thanh gào thét còn ẩn nấp trong nỗi hãi. Nếu như không có 30/4 năm ấy, liệu còn bao nhiêu người Việt bị tra tấn thừa sống thiếu chết, liệu có thêm bao nhiêu người mãi mãi không bao giờ thấy ánh sáng mặt trời.
Chuồng Cọp. - Ảnh: Sưu tầm
Những chuồng Bò, chuồng Cọp hôm nay có lẽ chỉ còn là cái tên, chỉ có là địa điểm tham quan trong mắt người trẻ. Những người đứng đằng sau song sắt năm ấy mới là người hiểu rõ nhất cái giá của sự sống và tự do đáng quý biết nhường nào. Hi vọng rằng, những đau xót ấy mãi mãi qua đi, Côn Đảo yên bình với trời xanh mây trắng.
Ngày nắng bình an hôm nay nơi nhà tù Côn Đảo. -Ảnh: tourdulich
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Côn Đảo
Dành ngày lễ 30/4 để lang thang khắp những nẻo đường lịch sử có thể không phải là sự hấp dẫn với nhiều người. Nhưng đôi khi, chúng ta cũng cần dừng lại những ngày dong chơi để dành thêm nhiều khoảnh khắc trong đời để yêu thêm cuộc sống an bình hiện tại. Mong rằng, bạn và người thân sẽ cùng ở bên nhau và có những ngày nghỉ lễ đầy ý nghĩa.
Iki Oleo – blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
0 Thích