Mytour blog
Tags:
du lịch Quảng Ninhkhám phá Quảng Ninhbình liêuthác sông mooc
06/04/20237.0950

Khám phá Bình Liêu - Sapa thu nhỏ miền sơn cước - Kỳ 1 năm 2024

Nếu người ta ví tỉnh Quảng Ninh là một Việt Nam thu nhỏ với địa hình vừa có rừng núi, biển đảo với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống thì huyện Bình Liêu của tỉnh này có thể coi là đại diện cho vùng miền núi và dân tộc ít người. Tuy nhiên, nếu bỏ công về điểm cuối cùng phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, bạn sẽ bất ngờ khi khám phá ra cả một Sa Pa thu nhỏ nơi miền sơn cước này.

 

Bình Liêu được ví như Sa Pa thu nhỏ miền sơn cước

Bình Liêu được ví như Sa Pa thu nhỏ miền sơn cước - Ảnh: Sưu tầm

 

Bình Liêu là một huyện miền núi nghèo cách thành phố Hạ Long khoảng 130km với diện tích gần 500 km2, dân số khoảng 3 vạn người trong đó hơn 96% là người các dân tộc như Tày, Dao, Sán Chay… Phía bắc giáp huyện Phòng Thành và Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) với đường biên giới dài 48 km và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn); phía nam giáp huyện Tiên Yên, Đầm Hà; phía đông giáp huyện Hải Hà. Du lịch Bình Liêu còn nguyên sơ, chưa được khai thác nhiều dù nơi đây có vô vàn cảnh đẹp và khí hậu ôn hòa quanh năm.

 

Du lịch Bình Liêu còn khá nguyên sơ

Du lịch Bình Liêu còn khá nguyên sơ - Ảnh: Sưu tầm

 

1. NÚI NON BÌNH LIÊU

 

Với cấu trúc địa hình đa dạng của miền núi cao thuộc cánh cung Đông Triều – Móng Cái nên Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tươi đẹp. Nơi đây có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vẫn còn hoang sơ với những ruộng bậc thang, cánh rừng hồi, rừng quế thơm nồng…

 

Mùa vàng tháng 10

Mùa vàng tháng 10 - Ảnh: Sưu tầm

 

Hoa hồi rụng trên núi

Hoa hồi rụng trên núi - Ảnh: Sưu tầm

 

Thung lũng Húc Động

Thung lũng Húc Động - Ảnh: Sưu tầm

 

Bình Liêu có núi Cao Ba Lanh nổi tiếng gắn với truyền thuyết dân gian về “Bãi đá thần”. Theo người dân nơi đây, khi gõ vào một phiến đá, tạo thành âm thanh cộng hưởng cùng các phiến đá khác như tiếng nói đầy huyền bí của các thần linh... Núi có không khí trong lành, trên đỉnh núi có hai hồ nước tự nhiên diện tích 0,2 – 1ha, có nhiều bãi đá với hình thù khác lạ nằm trong lòng hồ nước và nằm xem kẽ giữa các bãi cỏ và các khu rừng tự nhiên.

 

Trên đỉnh Cao Ba Lanh

Trên đỉnh Cao Ba Lanh - Ảnh: Sưu tầm

 

Hồ nước trên đỉnh núi

Hồ nước trên đỉnh núi - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Ninh

 

Núi Cao Ba Lanh là nơi ghi dấu ấn lịch sử của quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống giặc phương bắc xâm lược năm 1979.

 

Suối ở Đồng Văn

Suối ở Đồng Văn - Ảnh: Sưu tầm

 

Dòng sông hiền hòa

Dòng sông hiền hòa - Ảnh: Sưu tầm

 

Thêm vào đó, non xanh nước biếc của xã Đồng Văn cũng khiến du khách phải dừng chân để tận hưởng, thu vào tầm mắt vẻ đẹp mê hồn của tạo hóa.

 

Non xanh nước biếc Đồng Văn

Non xanh nước biếc Đồng Văn - Ảnh: Sưu tầm

 

Đập nước nhỏ

Đập nước nhỏ - Ảnh: Sưu tầm

 

2. NHỮNG NGỌN THÁC HÙNG VĨ

 

Bình Liêu sở hữu những ngọn thác hùng vĩ thu hút những bước chân xê dịch tới khám phá và trải nghiệm. Là thác Khe Tiền nằm giữa khu rừng nguyên sinh thuộc thôn Khe Tiền (bắt nguồn từ dãy núi Quảng Nam Châu cao trên 1500m so với mực nước biển), còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thi vị, lại mang nhiều vẻ đẹp với các hình thù khác nhau.

 

Góc nhìn từ lòng thác Sông Moóc

Góc nhìn từ lòng thác Sông Moóc - Ảnh: Sưu tầm

 

Là thác Sông Moóc tuy nhỏ bé được hình thành từ một tầng thác cao 10m đổ xuống tạo thành thác nước, nhưng dưới chân thác là hệ thống bãi đá kỳ vĩ với các tảng đá to, nằm phủ phục tạo nên không gian rộng lớn.

 

Đầu nguồn thác Sông Moóc

Đầu nguồn thác Sông Moóc - Ảnh: Sưu tầm

 

Hay đặc biệt nhất, hấp dẫn nhất là thác Khe Vằn cao gần 100m, cách trung tâm thị trấn Bình Liêu khoảng 15km về phía đông. Thác có không gian rộng với ba tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi rừng. Mỗi tầng thác mang một hình thế, một dáng vẻ khác nhau tạo nên một cảnh thực kỳ thú.

 

Thác Khe Vằn

Thác Khe Vằn - Ảnh: Sưu tầm

 

Nhìn từ đỉnh thác

Nhìn từ đỉnh thác - Ảnh: Sưu tầm

 

Thác Khe Vằn với rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng, suối trong mát, tạo cảm giác thư thái cho mỗi du khách được tắm mình với dòng suối thiên nhiên và không khí trong lành.

 

Đầu nguồn thác Khe Vằn

Đầu nguồn thác Khe Vằn - Ảnh: Sưu tầm

 

Cảnh quan vô cùng hài hòa

Cảnh quan vô cùng hài hòa - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Quảng Ninh

 

3. NHỮNG PHIÊN CHỢ ĐỊA PHƯƠNG

 

Huyện Bình Liêu còn tồn tại nhiều chợ phiên chỉ họp vào một hoặc 2 ngày nhất định trong tuần, tiêu biểu là chợ trung tâm huyện Bình Liêu và phiên chợ Đồng Văn.

 

Chợ Tết Bình Liêu

Chợ Tết Bình Liêu - Ảnh: Sưu tầm

 

Chợ Trung tâm huyện Bình Liêu họp vào chủ nhật, là phiên chợ của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán chỉ trên địa bàn huyện và một số người buôn bán từ khu vực Đồng Tông – Trung Quốc, các huyện lân cận như Tiên Yên, Đầm Hà.

 

Nụ cười vùng cao tại chợ phiên

Nụ cười vùng cao tại chợ phiên - Ảnh: Sưu tầm

 

Chợ phiên Bình Liêu đậm nét chợ vùng cao biên giới, đồng bào dân tộc đến chợ để gặp gỡ, giao lưu, ăn uống, hát đối then, soóng cọ, trao đổi hàng hóa nông sản, đồ dùng thiết yếu. Phiên chợ truyền thống thường họp vào các ngày lẻ trong tháng nhưng ngày nay, điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng khá lên, nhu cầu mua bán các mặt hàng hóa khác nhau cao hơn nên chợ chuyển sang họp thường xuyên và nhộn nhịp vào ngày chủ nhật.

 

Chợ đông đúc vào chủ nhật

Chợ đông đúc vào chủ nhật - Ảnh: Sưu tầm

 

Chợ Đồng Văn là chợ trung tâm xã, là nơi tụ họp, trao đổi buôn bán và giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Đồng Văn. Tại chợ, diễn ra hoạt động mua bán đồ dùng sinh hoạt quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ nông sản. Phiên chợ thường đông đúc vào ngày thứ 7 và chủ nhật.

 

Chợ đông đúc vào chủ nhật

Chợ phiên Đồng Văn - Ảnh: Sưu tầm

 

Đặc biệt, phiên chợ gắn với “Ngày kiêng gió” của dân tộc Dao thanh phán ngày 4/4. Vào ngày này, người Dao kiêng kị không đi làm nương, làm rẫy, đi rừng… Họ nghỉ ngơi, tụ tập tại chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu cùng nhau ăn uống, hát làn điệu Sán cố, tấu kèn “tiêng gẹt” của đồng bào mình. Vì vậy phiên chợ trở nên đông vui nhộn nhịp, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Ngày kiêng gió

Gặp gỡ nhau vào “Ngày kiêng gió” - Ảnh: Sưu tầm

 

4. VĂN HÓA DÂN TỘC, LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

 

Người dân ở huyện Bình Liêu còn lưu giữ nhiều nét văn hoá của riêng mình như nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, lễ hội Đình Lục Nà (từ 16-18 tháng Giêng âm lịch), lễ hội An Pò của người Tày và người Sán Chỉ (vào dịp rằm tháng Ba âm lịch), lễ hội hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (vào dịp 16-3 âm lịch), lễ hội hát Sán Cố của người Dao (vào dịp 4-4 âm lịch)...

 

Ngày kiêng gió

Hát then giao lưu - Ảnh: Sưu tầm

 

Được biết, lễ hội An Pò tổ chức vào hai ngày 15 và 16 tháng 3 (âm lịch) và hội hát Sóong Cọ được tổ chức tại thác Khe Vằn, đây cũng chính là nơi hẹn hò của những cô gái, chàng trai ở Sán Chỉ, rất nhiều đôi vợ chồng đã nên duyên từ những ngày hội hát mang đậm tính truyền thống như thế.

 

Ngày kiêng gió

Hội Soóng Cọ - Ảnh: Sưu tầm

 

Trổ tài ngày hội

Trổ tài ngày hội - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các tour du lịch Quảng Ninh giá rẻ

 

Mời bạn xem tiếp Khám phá Bình Liêu – Sapa thu nhỏ miền sơn cước - Kỳ 2

 

Hoa Cát – Mytour.vn

 

Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour..

0 Thích

Đánh giá : 4.7 /582