Nhắc tới nghề ươm tơ ở Nam Định, người ta sẽ nghĩ ngay tới làng Cổ Chất. Theo dòng chảy vô tình của thời gian, ngôi làng ấy vẫn giữ được truyền thống cổ xưa nhất, tạo nên một làng nghề nổi tiếng ở đất Thành Nam.
Ngôi làng ươm tơ cổ ở Thành Nam, Cổ Chất - Ảnh: Xóm Nhiếp Ảnh
Hỡi cô thắt vải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Chè
Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ.
Làng Cổ Chất thuộc xã Phương Đình, huyện Trực Ninh. Từ thành phố Nam Định chạy theo quốc lộ 21 hoặc xuôi dòng sông Hồng khoảng 20km về phía Đông Nam, du khách thấy mình như lạc vào một không gian đậm chất xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, thơ mộng, làng Cổ Chất hiện lên thanh bình, yên ả đến lạ thường.
Dòng sông Ninh hiền hòa, thơ mộng - Ảnh: Sưu tầm
Làng quê Cổ Chất mang màu thời gian, thanh bình yên ả đến lạ thường - Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn
Từ xa xưa, ngôi làng này đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Không một ai nhớ rõ rằng, cái nghiệp ấy đã theo làng tự lúc nào. Chỉ thấy các vị cao niên kể lại vào đầu thế kỷ XX, Tư bản Pháp đã xây một nhà máy ươm tơ ngay đầu làng Cổ Chất để khai thác kỹ năng lao động và tiềm năng vùng dâu tằm sông Ninh. Rồi tới năm 1942, khi chính phủ phong kiến Nam Triều mở hội chợ đấu xảo ở Hà Nội, ông Phạm Ruân làng Cổ Chất đưa tơ lên Hà Nội dự thi và được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ đương thời phong: " Cửu phẩm công nghệ". Tơ Cổ Chất nổi danh từ đó.
Chẳng ai biết, nghề ươm tơ dệt vải theo làng tự lúc nào… - Ảnh: Sưu tầm
Trong ký ức của những bậc bô lão trong làng, họ còn nhớ tới khung cảnh tấp nập một thời ở làng Cổ Chất khi xưa. Từng đoàn thương nhân ở khắp mọi nơi tìm về nơi này thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định những năm trước 1945. Dường như, trong từng lời kể chân chất và đầy tự hào ấy, người ta như hình dung nên khung cảnh nhộn nhịp, sôi động của một làng quê trù phú vẫn tồn tại trong tiềm thức.
Dấu tích của một thời huy hoàng... - Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn
...và thịnh vượng khi xưa nơi làng quê Cổ Chất - Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Trực Ninh - Nam Định
Vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, cho tới hôm nay, Cổ Chất trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp mọi vùng miền. Dường như, tơ trở thành một sản vật quý, được bao thế hệ xưa và nay nâng niu, trân trọng.
Ngày nay, tơ vẫn là một sản vật quý được bao thế hệ trong làng Cổ Chất nâng niu, trân trọng - Ảnh: Bvh2228
Hiện tại, làng còn khoảng 500 hộ theo nghề. Những sản phẩm ngày nay được chế tác bằng cả thủ công và máy móc hiện đại. Dù bằng cách nào, người ta cũng nhận thấy tơ của làng có chất lượng rất tốt, rất mềm và đẹp với những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng. Người trong làng ươm cả tơ vàng và tơ trắng. Kén được nhập từ các vùng lân cận hoặc có thể xa hơn như Thanh Hóa, Hà Nam hay Thái Bình.
Kết hợp giữa máy móc và thủ công, làng cho ra nhiều sản phẩm tơ tằm đa dạng và chất lượng hơn - Ảnh: Đặng Tuấn Trung
Với đôi bàn tay lành nghề, khéo léo, những nghệ nhân trong làng cho ra những chiếc kén mập mạp, óng ả - Ảnh: Đặng Tuấn Trung
Bước chân vào ngôi làng thanh bình ấy, người ta cảm thấy như đang bước vào một bầu không khí lao động khẩn trương, miệt mài nhưng ẩn trên từng gương mặt là niềm hân hoan chờ đón thành quả sau một quá trình làm việc vất vả. Đi dạo quanh làng, đâu đâu ta cũng bắt gặp những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những người phụ nữ đang vắt những bó tơ vừa dệt. Tơ vàng, ánh mặt trời vàng hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh sặc sỡ sắc màu.
Người làng Cổ Chất miệt mài lao động quanh năm - Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn
Đâu đâu trong làng cũng bắt gặp những bó tơ vàng ươm, óng ả - Ảnh: Nguyễn Quốc Sơn
Đi sâu vào những xưởng kéo tơ, du khách lại ngỡ ngàng với những màn khói bốc nghi ngút từ nồi luộc kén và ẩn trong đó là bóng dáng các bà các chị đang miệt mài cho những chiếc kén tằm vào nồi và khỏa liên tục. Một lúc sau chúng thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi, những sợi tơ chui qua lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Kết thúc công đoạn là những bó tơ vàng, tơ trắng được hình thành. Và từ đó dệt nên bao tà áo, tô thắm cho vẻ đẹp thướt tha của người con gái Việt Nam.
Chăm chỉ bên nồi luộc kén - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Nam Định
Tới thăm làng Cổ Chất, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn ươm tơ dệt lụa mà còn có cơ hội thăm thú một làng quê mang đậm nét truyền thống xứ Bắc. Dạo quanh làng, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng đền Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang tự, một quần thể kiến trúc được Bộ văn hóa cấp bằng di tích lịch sử- văn hóa đền chùa Cổ Chất mà còn được nghe kể về những câu chuyện xa xưa gắn liền với những công trình này.
Đến làng Cổ Chất để mục sở thị các công đoạn ươm tơ dệt lụa - Ảnh: N
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Nam Định
Thăm những di tích lịch sử mang trong mình bao câu chuyện thi vị - Ảnh: Nguyễn Quốc Việt
Du khách thích thú trước những bó tơ óng ả của làng quê Cổ Chất - Ảnh: Sưu tầm
Theo đó, thần phả làng có ghi lại rằng, Chùa thờ Phật, đền thờ bốn vị Thánh tổ có công khai phá và dựng nên làng Cổ Chất hơn bốn thế kỷ qua. Và để tưởng nhớ công lao của những vị thành hoàng, để tri ân công đức của các bậc tiền nhân, cứ mỗi mồng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dân làng lại đón khách tới dâng hương. Đó còn là dịp mà người dân nơi đây tổ chức các trò chơi dân gian như một dấu mốc mở đầu cho một mùa tơ vàng, một mùa lúa bội thu và cầu may cho một cuộc sống an khang thịnh vượng.
Rêu phong thời gian trên những bức tường cổ chốn làng quê Cổ Chất - Ảnh: Nguyễn Quốc Việt
Tình yêu của các nghệ nhân chất trong từng sợi tơ - Ảnh: Nguyễn Quốc Việt
Xem thêm: Các tour du lịch Nam Định
Cổ Chất từ lâu đã trở thành một làng nghề truyền thống của đất Nam Định, nơi sản sinh ra những loại vải tơ tằm đẹp nổi tiếng của đất Thành Nam. Tìm về địa danh này, du khách sẽ được khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và được tiếp xúc với những con người chân chất, hiền lành, gắn bó một đời với cái nghiệp ươm tơ, dệt lụa. Mặc sự xoay vần của thời gian, làng nghề ấy vẫn sống mãi trong tim những thế hệ hôm nay và cả mai sau.
Loan - blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
0 Thích