Mytour blog
Tags:
du lịch Việt Namẩm thực Việt Namdu lịch lễ tết tết thực hàn
06/04/20232.2660

Sắc màu đầm ấm tình thân trong Tết Hàn thực của người Việt năm 2024

Tháng tư chậm rãi về mang theo bao sắc màu tinh khôi của bầu trời rộng lớn trong vắt như ngọc, cơn gió hè man mát xua tan làn hơi nồng nóng bức đang len lỏi đâu đây, cánh hoa loa kèn nở rộ thanh thoát giữa cái nắng vàng hanh hao trong buổi chiều hoàng hôn lặng lẽ. Và tháng tư về, trong mỗi căn bếp gia đình Việt lại rộn ràng thắp lên ngọn lửa yêu thương chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết Hàn thực thêm tròn đầy. Để tiếng cười dịu ngọt lại vang lên vì mùi thơm của chiếc bánh trôi, bánh chay từ bàn tay của mẹ.

 

Sắc màu ngày Tết Hàn thực trong các gian bếp

Sắc màu ngày Tết Hàn thực trong các gian bếp - Ảnh: Nghia Nguyen

 

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp mà mỗi gia đình Việt dâng lên bát bánh chay, bánh trôi, bánh nhót được làm từ gạo nếp để lễ Phật, lễ gia tiên với tấm lòng thành khẩn, mong muốn đấng thần linh có thể mang đến những điều tốt đẹp cho tổ ấm của mình thêm an yên. Hàn thực có nghĩa là đồ ăn lạnh, Tết này xuất phát từ câu chuyện cảm động từ thời nhà Tấn ở Trung Quốc.

 

Mâm cúng ngày Tết Hàn Thực

Mâm cúng ngày Tết Hàn Thực - Ảnh: Sưu tầm

 

Vào thời Xuân Thu (770 - 221), vua nước Tấn là Tấn Văn Công vì gặp nạn mà phải trốn chạy hết nơi này đến nơi khác. Bên cạnh ông, Giới Tử Thôi, một hiền sĩ trung thành luôn đi theo Tấn Văn Công phò giúp vua phục nước mà bất chấp bản thân mình, kể cả việc tự cắt thịt để nấu thành thức ăn cho vua.

 

Tuy nhiên, khi lấy lại được ngai vàng, vua đã ban thưởng rất nhiều người mà quên đi tấm lòng của Giới Tử Thôi. Và thế là Tử Thôi đã cùng mẹ về ở ẩn ở núi Điền Sơn. Khi nhớ ra công lao khó gì sánh kịp của Tử Thôi, vua Tấn đã triệu ông về để lãnh thưởng song vì là người không màng danh lợi, Tử Thôi đã từ chối vua. Vua Tấn nổi giận, cho người đốt rừng để dọa Tử Thôi phải ra khỏi khu rừng, song đến cuối cùng, Tử Thôi vẫn kiên quyết, hai mẹ con đã chết cháy nơi Điền Sơn núi. Vua Tấn động lòng thương cho người hiền, đã ra lệnh cho cả nước ăn chay với thức ăn nguội đã được nấu sẵn và kiêng không đốt lửa trong 3 ngày để tưởng nhớ Tử Thôi, và ngày Tết Hàn thực đã ra đời từ lúc ấy.

 

Các lớp học cũng rộn ràng làm bánh cho ngày Tết Hàn Thực

Các lớp học cũng rộn ràng làm bánh cho ngày Tết Hàn Thực - Ảnh: ThptPVD

 

Văn hóa Trung Hoa và Việt Nam được giao thoa qua nhiều thập kỷ nên người Việt có ít nhiều ảnh hưởng về cái Tết Hàn thực của nước bạn. Song với người Việt ta, Tết Hàn thực có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, chư vị Phật tổ cũng như các vị anh hùng đã hi sinh bản thân để giành lấy độc lập tự do, vậy nên mang nhiều bản sắc dân tộc từ quá trình dựng nước và giữ nước. Ở một số nơi, Tết Hàn thực còn để cúng Thần hoàng với mong muốn thần linh sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình. Do đó, Tết Hàn thực ở đất Việt cũng không có kiêng cữ lửa như người dân Trung Hoa.

 

Cúng Thành Hoàng ngày Tết Hàn Thực

Cúng Thành Hoàng ngày Tết Hàn Thực - Ảnh: Sưu tầm

 

Trong Tết Hàn thực, người ta thường chú ý nhất vào món ăn đặc trưng mang cả hương vị thanh trong của đất trời. Có 3 món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày này chính là bánh trôi, bánh chay và bánh nhót. Chúng đều được làm từ nguyên liệu chính là những hạt gạo nếp cái hoa vàng thơm lừng, ngây ngất.

 

Thực ra cả ba món này đều rất dễ làm, chỉ cần có bột nếp và nhân đường đỏ hay đậu xanh là có thể tạo ra món ăn ngon. Song vốn là lễ vật nên các gia đình thường cầu toàn trong khâu chuẩn bị lẫn chế biến để mang đến hương vị tuyệt hảo nhất từ tấm lòng thành của mình lên thần linh, tổ tiên.

 

Thành tâm trong từng chiếc bánh nhỏ

Thành tâm trong từng chiếc bánh nhỏ - Ảnh: Dũng Mim

 

Rộn ràng gian bếp ngày Tết Hàn Thực

Rộn ràng gian bếp ngày Tết Hàn Thực - Ảnh: Chilk2411

 

Bánh trôi có hình tròn trắng trong có nhân đường đỏ bên trong, bánh chay lại hình dẹt và được thay thế bằng nhân đậu xanh hoặc không nhân, còn bánh nhót thì hình dạng chẳng khác nào trái nhót được hái xuống rồi đặt ngay trong bát sứ thanh tao.

 

Bánh trôi trắng tròn, mộc mạc màu truyền thống

Bánh trôi trắng tròn, mộc mạc màu truyền thống - Ảnh: Vietantv

 

Bánh nhót trắng ngần

Bánh nhót trắng ngần - Ảnh: Sưu tầm

 

Ngày nay, để tăng thêm nét thẩm mỹ cho mon ngon ngày Tết Hàn thực truyền thống, các sắc màu tươi mới được bàn tay các mẹ, các dì thay đổi chút ít. Đó là màu xanh của dứa, màu đỏ của gấc, màu tím từ khoai môn,… và cả nhân bí đỏ, đậu đỏ,… mang đến những đĩa bánh vừa mang mùi vị đặc trưng của cha ông lại bắt mắt, tinh tế. Bên cạnh đó là mâm ngũ quả và bình hoa thơm cho bàn thờ ngày Tết Hàn thực thêm hoàn mỹ.

 

Bánh trôi ngũ sắc ngày Tết Hàn Thực

Bánh trôi ngũ sắc ngày Tết Hàn Thực - Ảnh: Sưu tầm

 

Tết Hàn thực ngày nay phổ biến nhất ở khu vực miền Bắc với các tỉnh thành xung quanh Hà Nội. Và trong từng mâm cỗ cho ngày Tết Hàn thực mỗi gia đình ở từng vùng miền cũng có chút khác biệt. Các gia đình miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng cúng Tết Hàn thực bằng món bánh Coóng phù giống bánh trôi đồng bằng Bắc Bộ nhưng khi ăn có chan thêm nước. Còn với người miền Nam, Tết Hàn thực đơn giản hơn rất nhiều khi với mâm cỗ truyền thống phương Bắc khi chỉ dùng món chè trôi nước với nước dừa thơm lừng đặc trưng.

 

Món bánh Coóng chan nước đường nóng hổi

Món bánh Coóng chan nước đường nóng hổi - Ảnh: Baocaobang

 

Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội

 

Ngày Tết Hàn thực, khi bàn tay mẹ tận tụy với món bánh trôi bánh chay thơm mùi nếp dẻo, khi mâm ngũ quả nhiều sắc màu được đặt cẩn thận lên bàn thờ, khi ba trầm ngâm khấn vái tổ tiên trong làn khói hương trầm nghi ngút, những kỷ niệm tuổi thơ dường như lại thêm một lần nữa sống dậy. Sợi dây tâm linh luôn được kết nối để tưởng nhớ về cội nguồn, về một mái ấm gia đình tràn ngập yêu thương mà dẫu có ở xa thế nào, ai cũng quay đầu để hoài niệm. Để mỗi độ tháng tư về, lại có những khoảng bình yên dịu nhẹ đến thế!

 

Món bánh dâng tổ ngày Tết Hàn Thực giản dị mà chứa chan hiếu nghĩa

Món bánh dâng tổ ngày Tết Hàn Thực giản dị mà chứa chan hiếu nghĩa - Ảnh: Sưu tầm

 

Nhớ lại ngày xưa, những tháng ba
Con xem làm bánh, mẹ bên bà
Miếng đường đỏ ngọt ba chìm hát
Viên bột trắng tinh bảy nổi ca
Vị bánh trôi quê cứ nhẩn nha.

 

LaNa vtp - Mytour.vn

 

Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.

0 Thích

Đánh giá : 4.4 /155