Mytour blog
Tags:
Bà Rịa - Vũng Tàudu lịch Vũng Tàuhải sản giá rẻđảo Long Sơnhàu đen Vũng Tàu
06/04/20232.3050

Tìm về vương quốc hàu ở Vũng Tàu năm 2024

Trên đường đến phố biển, nhiều người quẹo phải để đến Long Sơn, xã ngoại thành duy nhất của Vũng Tàu chuyên nuôi hàu. Với diện tích khoảng 50 km2 dựa lưng vào núi Nứa, nơi đây có di tích Nhà Lớn và đạo ông Trần với việc xây dựng một xã hội đại đồng.

 

BẬT MÍ VỀ NHỮNG BỘ BÀ BA

 

Vượt qua cây cầu Bà Nanh tuyệt đẹp, chúng tôi đến làng biển Long Sơn khi chiều nghiêng nắng. Trước đây, muốn đến Long Sơn phải đi thuyền hoặc đò vì cách trở bởi sông Dinh, sông Chà Và và biển nhưng nay đã có nhiều cây cầu nên nơi đây không còn là ốc đảo nữa.


Đi từ đầu xã đến cuối xã, ngang qua những làng chài hay các nơi nuôi hàu, chúng tôi trông thấy rất nhiều cụ ông cụ bà nam nữ thanh niên đều mặc áo bà ba đen, tóc búi cao, đi chân trần giống nhau. Thấy vẻ thắc mắc của viễn khách, vuốt chòm râu trắng như cước, ông Nguyễn Văn Sạn (70 tuổi, ở ấp 1) khề khà: “Người dân ở xã này chủ yếu theo đạo ông Trần nên mới ăn mặc như vậy đó. Bây giờ nhiều cháu nhỏ đi học bên ngoài hay lao động nơi khác đến thì không mặc “đồng phục” chứ vào ngày 31-3 (20 âm lịch) hằng năm là ngày giỗ của ông Trần thì con cháu ông Trần đều phải ăn mặc như vậy”.

 

Hàu đen - Ảnh: Sưu tầm


Theo ông Sạn, lý do người dân nơi đây có thói quen mặc đồ bà ba là vì ngày xưa ông Trần lúc nào cũng bận đồ bà ba đen để thuận tiện cho những công việc lao động nặng nhọc hàng ngày của một nông dân. Người dân thấy áo bà ba đen ít bị bẩn, lại rẻ tiền nên học theo cho đến nay. Thói quen ấy đã in sâu vào nếp sống của người làng biển.

Tìm về vương quốc hàu ở Vũng Tàu
Nuôi hàu đem lại nguồn lợi lớn - Ảnh: Sưu tầm
 


Tên thật của ông Trần là Lê Văn Mưu (SN 1865, tại làng Thiện Khánh, tổng Hà Thành, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên, nay là Kiên Giang). Ông là nghĩa binh chống Pháp vùng Bảy Thưa - Láng Linh (nay thuộc An Giang) do quản cơ Trần Văn Thành thống lĩnh.

Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nghĩa binh bị truy sát gắt gao, ông Mưu phải lưu lạc, lánh nạn khắp nơi. Đến năm 1900, ông cùng gia quyến vượt biển đến định cư dưới chân núi Nứa, lập nên ấp Bà Trao, nay là xã Long Sơn.

Hiện chiếc thuyền ông Mưu dùng để vượt biển còn gọi là ghe Sấm, vẫn được lưu giữ và trưng bày tại Nhà Thuyền ở khu di tích Nhà Lớn. Theo ông Sạn, sở dĩ gọi ông Lê Văn Mưu là ông Trần vì vị tiên hiền có thói quen đi chân trần, để đầu trần. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện chí khí của đấng trượng phu “đầu đội trời, chân đạp đất”.

Chợt nhớ lại trước đó, trong lần điền dã về vùng Thất Sơn (An Giang), chúng tôi đi qua các xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn) cho tới các vùng giáp biên như Tịnh Biên, TX. Châu Đốc..., quản cơ Trần Văn Thành và ông Lê Văn Mưu được người dân địa phương rất tôn sùng.

Ở đây người dân theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa) do Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Đức Bổn Sư) sáng lập. Họ cũng mặc áo bà ba đen, tóc búi cao, đi chân trần giống như một nhánh của đạo này là đạo ông Trần ở Bà Rịa - Vũng Tàu.


Hàu nướng - Ảnh: Sưu tầm

 

Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), đạo này rất đông cư sĩ. Theo ước tính, đạo Hiếu Nghĩa có 15 gánh (15 nhánh - P.V), trong đó có đạo ông Trần do ông Lê Văn Mưu sáng lập. Thật bất ngờ, chúng tôi được gặp những người dân Long Sơn tìm về vùng Thất Sơn để “về nguồn”, tìm hiểu về chiến công đánh giặc ngoại xâm của ông Trần và vùng đất trung tâm của đạo Hiếu Nghĩa.

Sau cái đằng hắng của người đã ở tuổi bên kia sườn dốc, ông Sạn đưa chúng tôi về với thực tại khi cho biết, ông là con cháu đời thứ sáu của ông Trần. Ông được cha mẹ kể lại rằng, khi đến Long Sơn bây giờ, nhằm xây dựng một vùng đất mới an bình, ông Trần và binh sĩ đã khai hoang, lập ấp, chia cho dân nghèo, thậm chí dang rộng vòng tay để đón người nghèo từ các nơi khác đến.


Thu hoạch hàu - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các tour du lịch Côn Đảo - Vũng Tàu

 

Chẳng mấy chốc, làng biển trở nên sầm uất. Ý tưởng của ông là xây dựng một thế giới đại đồng, ai cũng có đất để trồng trọt, chăn nuôi, không phân biệt người giàu sang, kẻ nghèo hèn. Bên cạnh đó, triết lí sống mà ông dạy mọi người là hiếu nghĩa, trí tín nên mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng.

 

“CHẾT ĐỒNG QUÁCH, ĐỒNG QUAN”


Khi đến di tích Nhà Lớn, chúng tôi ngạc nhiên về khu đất rộng gần 2ha, bao gồm: nhà hội, đền thờ, dãy phố, nhà thuyền, khu chợ, trường học và khu mồ mả ông Trần.

Nhà Lớn trước kia hoàn toàn làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến, trắc, gụ... Đặc biệt là kiến trúc các dãy phố, nơi xưa kia để dành làm chỗ nghỉ ngơi của khách phương xa, vẫn còn nguyên màu gỗ nâu bóng với những hàng chữ Nho được điêu khắc tỉ mỉ phía ngoài.

Bà Lê Thị Đến (thường gọi là Tám Đến nguyên là thành viên điều hành Nhà Lớn) cho biết, quản lý di tích cấp quốc gia Nhà Lớn gồm ban điều hành có 10 người. Trước giải phóng, ban điều hành có tên là hương chức, sau giải phóng gọi là kỳ lão. Lễ hội tháng 2 là giỗ ông Nhà Lớn, lễ hội ngày 9-9 (âm lịch) là ngày cầu an.

Đồ hành lễ gồm áo dài đen để tiết kiệm, bởi họ vốn là lưu dân và người nghèo. Vào ngày 15 và 30 âm lịch, mọi người lau bàn trong di tích để hôm sau kỉnh (cúng) đồ ngọt, dẻo. Gia đình bà Tám Đến vốn gốc Bến Tre, ông ngoại bà được chính ông Trần cấp đất.

Tìm về vương quốc hàu ở Vũng Tàu
Nghĩa trang không có bia mộ - Ảnh: Sưu tầm


Người quản lý của di tích là bà Lê Thị Kiềm (69 tuổi, là cháu đời thứ tư của ông Trần). Bà Kiềm cho biết, đạo ông Trần độc đáo ở chỗ không hề có chuông mõ, kinh kệ, giáo lý, không mê tín dị đoan mà chỉ là những lời răn được truyền khẩu qua nhiều đời về đạo đức, lối sống.

Đạo ông Trần chính là đạo làm người mà ông đã truyền dạy cho con cái đời sau. Người theo đạo này vẫn được lập gia đình, sinh con đẻ cái giống đạo Hiếu Nghĩa nhưng có một phong tục lạ là... chết chung hòm mà bắt nguồn từ câu nói ông vẫn dạy là “sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quách đồng quan”, nghĩa là sống cũng như nhau và khi ra đi cũng giống nhau.

Theo đó, khi một gia đình trong làng báo có tang, thì những người hàng xóm xung quanh liền cùng nhau sang giúp đỡ. Người lo khăn áo, người chạy đi thỉnh chiếc “bao quan dùng chung” để về khâm liệm thi hài cho tiết kiệm chi phí. Sau khi làm xong “nghi thức” này thì “bao quan” được đưa về cất giữ ở Nhà Lớn. Đến “lượt” người quá cố khác thì “bao quan” cũng được người thân mượn tiếp.

Trong đám ma ở Long Sơn, tuyệt nhiên không có cảnh mổ heo, mổ gà để thiết đãi khách đến viếng. Điều này xuất phát từ truyền thống của đạo Trần vốn không thích phô trương sự giàu sang của gia chủ mà chủ yếu đến với nhau bằng tấm lòng.

Chưa hết bất ngờ, chúng tôi lại đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi ra thăm nơi an nghỉ của người dân sở tại từ xưa đến nay. Bước vào bên trong, tất cả các ngôi mộ đều không có bia ghi họ tên, quê quán người quá cố. Ngay cả mộ của ông Trần là thành hoàng làng cũng rất giản dị. Vậy thì làm sao để con cháu tìm ra nơi an nghỉ của người thân và vì sao lại có chuyện lạ đời như vậy?

Giải thích điều này, bà Tám Đến, nhà gần nghĩa trang, cho biết thêm: “Người của đạo ông Trần chết đi thì không phân biệt đẳng cấp, sang hèn bởi họ đều trở về cát bụi nên bình đẳng như nhau. Có bia mộ là lưu danh. Theo triết lý của ông Nhà Lớn, không nên phân biệt giàu, nghèo khi còn sống trên dương gian và không được xây mộ lớn hay mộ nhỏ vì sẽ gây ra cảnh hơn thua nhau dưới suối vàng nên ai cũng xây đơn giản, con cháu nhớ “kí hiệu” mộ để tránh nhầm lẫn khi thăm viếng, nhang khói”.

Nhắc đến nghĩa trang kì lạ nhất cả nước, chúng tôi còn nhớ ở huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) cũng có một nơi an nghỉ đặc biệt nhưng khác là có bia mộ nhưng phải có... một khổ thơ bên dưới tên tuổi người vắn số.

Chúng tôi rời Long Sơn để trở về thành phố, bỏ lại sau lưng một làng biển lập lòe trong ánh đèn đường. Người dân vẫn đặt những tấm fibro xi-măng để nuôi hàu, cải thiện cuộc sống. Họ chân chất, mến khách như từ thuở tiên tổ đặt chân đến đây và bây giờ vẫn tiếp nối chất tình ấy ngàn đời.

 

Mytour.vn - Nguồn: tổng hợp

0 Thích

Đánh giá : 4.3 /166