Bến tre là một trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước bởi sự đa dạng văn hóa và thiên nhiên sông nước miệt vườn.
Bến Tre có đường bờ biển dài 65km, có rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú, các kênh rạch chằng chịt cùng nhiều cù lao, cồn bãi, nên bốn mùa khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đây còn là một ốc đảo được hợp thành từ ba dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa) và được bồi tụ bởi phù sa của 4 con sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên nên đất đai rất phì nhiêu, màu mỡ, thích hợp trồng nhiều loại trái cây, trong đó nổi tiếng nhất là cây dừa.
Hàng dừa Bến Tre Bến Tre hiện có 53.000ha diện tích đất trồng dừa, chiếm 1/4 diện tích dừa cả nước, sản lượng hàng năm khoảng 500 triệu trái, không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước như Singapore, Malaysia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc… Dừa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng như: than hoạt tính, chỉ sơ dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, thạch dừa, mặt nạ dừa, kẹo dừa.
Toàn cảnh sông nước Bến Tre Người dân Bến Tre còn tận dụng tất cả các thành phần của cây dừa như thân, cọng, vỏ, lá… để làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, được nhiều du khách ưa chuộng tập trung ở các làng nghề thuộc Cồn Phụng (huyện Châu Thành) và Hưng Phong (huyện Giồng Trôm). Du khách tham quan cồn Phụng
Bên cạnh đó, Bến Tre còn có rất nhiều làng nghề truyền thống khác như nghề hoa kiểng Cái Mơn - Chợ Lách, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, nghề đan đát, bó chổi, làm lu,… Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái.
Thăm vườn Quýt vàng ươm
Những giỏ Xoài xanh tươi
Vườn Chôm Chôm
Đình làng và nhà cổ ở Bến Tre cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan, tiêu biểu là đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri) hay đình Phú Tự (TP. Bến Tre) có cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt. Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) trên 100 năm tuổi, xây theo kiểu hình chữ nhất và được trang trí hoa văn chạm trổ khéo léo, tinh tế.
Gian chính của nhà Cổ
Bến Tre đặc biệt hấp dẫn du khách với những làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình, mang đậm sắc thái vùng sông nước miền Tây, có đủ các làn điệu hát ru, hò, vè, lý, hát sắc bùa, cải lương; đặc biệt, nơi đây vẫn bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Mảnh đất này còn lưu giữ kho tàng văn học dân gian với những truyện cổ, thơ ca, câu đố, giai thoại về “ông già Ba Tri”…
Tham quan Cồn Phụng
Tham quan bằng xe ngựa
Đờn ca tài tử
Hàng năm, tại Bến Tre diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như: lễ hội truyền thống cách mạng Đồng Khởi (17/1) tại xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày); Ngày hội văn hóa truyền thống nhân kỉ niệm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1/7) tại xã An Đức (huyện Ba Tri); Ngày hội cây trái ngon - an toàn và sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bến Tre dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch), lễ hội Nghinh Ông của các cư dân vùng biển (15, 16/6 âm lịch)… Riêng lễ hội dừa đã được nâng lên thành Festival Dừa mang tầm cỡ quốc gia, được tổ chức 2 năm một lần vào dịp 30/4 với nhiều hoạt động phong phú, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, dự hội.
Lễ hội đường phố
Những chàng trai tát mương bắt cá
Du khách đến Bến Tre ngoài việc tham quan phong cảnh thiên nhiên sông nước miệt vườn và tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương độc đáo, đa dạng còn rất thích thú với loại hình du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể cùng người dân đi đặt lộp, bắt cá, làm vườn, trồng lúa, chế biến thức ăn…; hay lênh đênh trên sông nước, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng, thủ công mỹ nghệ dừa; thưởng thức trái cây tươi ngon; nghe biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ... Tất cả sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, không thể nào quên.
Thăm cở sở làm kẹo dừa - Bến Tre Bến Tre có cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hiện tỉnh đang có những định hướng nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.(Nguồn: Trung tâm TTXTDL Bến Tre)