Ngay từ thuở bé thơ, trong ký ức của mỗi người là hình ảnh những phiên chợ với những món quà vặt nhìn bắt mắt. Dường như, chợ đã trở thành một nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Chợ không chỉ là nơi giao lưu và trao đổi hàng hóa, chợ còn là nơi thể hiện rõ nét nhất văn hóa vùng miền. Mỗi miền quê ta bắt gặp những cách họp chợ khác nhau, và đôi khi đâu đó trên con đường chu du khắp mọi miền đất nước, có những buổi chợ mà có lẽ suốt đời ta chẳng thể nào quên được. Nó độc đáo quá, khác biệt quá, trở thành một dấu ấn khó phai, khiến ta hiểu hơn về cuộc sống đầy sắc màu của mỗi làng quê trên đất Việt. Hãy cùng mytourblogs.com khám phá 6 phiên chợ độc đáo chỉ có thể gặp ở Việt Nam nhé.
Có những phiên chợ độc đáo chỉ có thể gặp ở Việt Nam - Ảnh: Sưu tầm
Mời bạn xem thêm: Có những phiên chợ làm nên nét khác biệt của văn hóa Việt Nam - Kỳ 1
“Anh về Bình Định thăm nhà
Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng
Cưới nàng đội nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn”
Ai về Bình Định, nhớ ghé chợ Gò Găng, tìm mua một chiếc nón lá thô, nghĩ về người con gái Việt duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, đội chiếc nón lá nghiêng nghiêng cười e thẹn. Chợ nón Gò Găng nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về phía Bắc, thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn.
Ai về Bình Định, nhớ ghé Gò Găng - Ảnh: Sưu tầm
Muốn hòa vào không gian buổi chợ, bạn phải khởi hành từ Quy Nhơn từ lúc 1 – 2h sáng bởi chợ họp vào tầm 3h, lúc trời còn nhá nhem và kết thúc khi trời hửng sáng. Vậy nên, nhiều người còn gọi chờ Gò Găng là chợ gà gáy và ở chợ chỉ bán duy nhất những chiếc nón thô cùng vật dụng làm nón để phân phối cho các buổi chợ khác.
Chợ họp tầm 3 - 4h sáng nên người ta thường gọi là chợ gà gáy - Ảnh: Sưu tầm
Trong màn đêm u tối, những ngọn dầu leo lét được thắp lên dường như chỉ tỏ mặt người, ấy vậy nhưng kẻ bán người mua cũng rôm rả lắm. tiếng trò chuyện í ới, tiếng trả giá mua hàng rộn rã, nghe âm điệu xứ nẫu thân thương, làm xôn xao một góc làng quê vốn đang tĩnh mịch.
Trong màn đêm u tối nhưng chợ cũng rôm rả lắm - Ảnh: Sưu tầm
Chợ nón Gò Găng được hình thành từ thời Tây Sơn, ngày ấy, chợ chủ yếu phục vụ cho binh lính Quang Trung với những chiếc nón ngựa có gằn chụp bạc hay đồi mồi chạm long, lân, quy, phụng trên chóp đỉnh, quai nón là những dải lụa xanh đỏ và phía bên dưới cằm có một chỏm tua. Nhưng ngày nay, những chiếc nón đã có sự cách tân, kết hợp những chi tiết của nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa Tây Sơn xưa. Giờ họp chợ cũng không thay đổi tự bao đời, bởi với những người dân quê nghèo khó vùng Bịnh Định, đó là cái nghề phụ thêm lúc nông nhàn.
Những chiếc nón được tạo nên từ bàn tay tài hoa của người lao động như cách để họ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn - Ảnh: Sưu tầm
Chợ nón Gò Găng như một nét văn hóa độc đáo của một miền quê đầy nắng và gió. Chợ lung linh trong ánh đền mờ ảo, khiến người ta như lạc giữa thực và mơ nhưng lại cảm thấy mình đang sống giữa cái nghĩa tình sâu nặng của mảnh đất miền Trung và lòng càng tự hào về đội quân áo vải một thời.
Nhưng cũng thể hiện nét văn hóa riêng của miền quê nắng gió miền Trung - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bình Định
Nhắc về miền cao nguyên toàn đá là đá ấy, ta lại nhớ về phiên chợ tình đầy thú vị ở mảnh đất biên viễn xa xôi. Chợ tình Khâu Vai được tổ chức chỉ một lần trong năm ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang, như một khúc ca ngân đầy ân tình giữa chốn đại ngàn.
Chợ tình Khâu Vai như một khúc ca ngân giữa chốn đại ngàn - Ảnh: Sưu tầm
Chợ tình Khâu Vai đã có từ hơn trăm năm trước, bắt đầu từ một câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy trăn trở để rồi chợ trở thành nơi hẹn hò cho những người có tình yêu dang dở, đã yêu rồi nhưng lại lỡ duyên nhau. Vậy nên, cứ mỗi 27/03 âm lịch hằng năm, những chàng trai cô gái từ khắp các bản làng, khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống xinh đẹp nhất, vượt núi, băng rừng, về chợ tình hò hẹn.
Phiên chợ là nơi để gái trai hò hẹn và để những đôi lứa lỡ duyên nhau gặp lại đôi lần - Ảnh: Sưu tầm
Vậy nên cứ dịp 27/03 âm lịch, người ta lại xúng xính trong những trang phục xinh để tìm về buổi chợ - Ảnh: Sưu tầm
Đến chợ tình, chẳng lạ khi bắt gặp những lứa đôi đang trò chuyện, rồi họ cùng thổi khèn, cùng nhảy múa, để rồi bao câu chuyện được thắp lên, bao đôi gái trai nên duyên chồng vợ, mở đầu cho một cuộc sống trăm năm. Nhưng đâu đó ta cũng bắt gặp những người phụ nữ kiên nhẫn ngồi chờ đợi, họ chờ chồng đi gặp bạn tình, ánh mắt xa xăm mà đau nhói.
Và ta lại được hòa mình vào điệu múa đầy duyên dáng - Ảnh: Sưu tầm
Dường như trong khung cảnh hùng vỹ của đại ngàn, chợ tình Khâu Vai như một nét thơ, đầy trữ tình mà lưu luyến. Ấy thế nên, ghé chợ tình, nhớ thử chút rượu ngô, thấy má hây hây đỏ và lòng lại ngập ngừng yêu, chẳng yêu say rượu hay say tình mà bỗng nghe tiếng khèn gọi bạn tình của chàng trai nơi ấy như lời nỉ non kể chuyện, để ta lại nghe câu chuyện tình ngày xửa ngày xưa.
Và say trong tiếng khèn gọi bạn tình xa - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Giang
Lên Tây Bắc, nhớ ghé phiên chợ Bắc Hà, chợ thường họp vào chủ nhật hàng tuần từ sáng sớm tới 2h chiều. Đó được xem là một trong những phiên chợ lớn nhất ở Lào Cai, tụ tập nhiều thương lái của các dân tộc xa gần về trao đôi mua bán hàng hóa. Nhưng trên tất cả, chợ níu giữ bước chân du khách muôn nơi bởi nét nguyên sơ, đậm chất người bản địa.
Một buổi chợ phiên đầy sắc màu ở Bắc Hà - Ảnh: Bruno SCLIFFET
Bạn có thể tìm thấy bất cứ vật dụng cần thiết nào của người dân miền núi ở chợ, từ những chiếc cuốc xẻng, từ hàng thổ cẩm đến cả trâu ngựa. Nhưng có lẽ, phân khu nhiều nhất là các sản vật thổ cẩm, từ túi, ví, khăn thêu tay đến các loại váy áo và mũ. Có những món hàng thủ công, các chị em dân tộc phải mất hàng tháng trời thêu tay, những món hàng tỉ mỉ, chứa đựng cái ân tình của người miền núi.
Nơi bạn có thể tìm kiếm bất cứ vật dụng nào của người dân miền núi - Ảnh: iFilm QC
Chợ còn là nơi mà bạn có cơ hội thưởng thức những món đặc sản thơm ngon của núi rừng Tây Bắc. Đặc biệt đây được xem là cái nôi ra đời món thắng cố ra đời cách đây gần 200 năm của người Mông, Tày, Nùng, vậy nên thưởng thức thắng cố Bắc Hà là thưởng thức một món đặc trưng có phong vị nguyên bản chẳng nơi nào có được.
Và thưởng thức những món đặc sản thơm ngon của núi rừng - Ảnh: iFilm QC
Nơi ta cảm nhận được hương vị nguyên bản đặc trưng hiếm nơi nào có được - Ảnh: Sưu tầm
Dường như những buổi chợ phiên ở mảnh đất miền cao ấy đặc biệt lắm, người ta đi chợ từ rất sớm, có những người ở xa đã tất tả đi từ ngày hôm trước, họ chọn những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất, cất sẵn trong gùi, tới gần chợ mới mặc vào, rồi trang điểm, đeo vòng bạc lên cổ, lên tay. Họ tới chợ không chỉ để mua bán, trao đổi, họ còn đến chợ đến giao lưu và tham giá vào những hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Vậy nên, chẳng hề khó để tìm thấy những khu chợ tập trung đầy đủ già trẻ gái trai, những điệu múa, điệu khèn dịp dìu trong gió, những tiếng hát chứa bao lưu luyến, ân tình và cả những trò chơi dân gian đầy màu sắc.
Đó là phiên chợ mà người dân vùng cao háo hức chờ đợi mỗi tuần - Ảnh: Sưu tầm
Họ mặc thật đẹp, trang điểm thật xinh để tìm về buổi chợ phiên - Ảnh: Sưu tầm
Chợ phiên Bắc Hà như một nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc, để rồi bao người phải thổn thức tìm về, để hiểu hơn về phần hồn của người Tây Bắc, say trong hương rượu ngô nồng nàn của người Mông Bản Phố, thấy xa xa mận đào khoe sắc và bóng dáng cô sơn nữ thướt tha đến nao lòng.
Hòa mình vào không gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc - Ảnh: Dylan Rubinstein
Xem thêm: Các tour du lịch Lào Cai giá rẻ
Đi khắp mọi miền đất nước, chu du mọi cung đường từ Bắc tới Nam, dường như nơi đâu ta cũng bắt gặp những nét văn hóa truyền thống đấy thi vị. Thấy những phiên chợ đầy màu sắc, nghe giọng nói địa phương đầy thân thương, hòa mình vào nếp sinh hoạt của các vùng miền, để hiểu hơn, yêu hơn và tự hào hơn bản sắc văn hóa được truyền lại tự bao đời trên những vùng quê yêu dấu.
Dandelion – mytourblogs.com
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của mytourblogs.com (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại mytourblogs.com.
Phiên chợ là một hình thức thương mại truyền thống của người Việt Nam, được tổ chức tại các khu vực nông thôn và thành thị. Tại phiên chợ, người dân có thể mua bán các sản phẩm địa phương, từ thực phẩm đến đồ dùng gia đình.
Phiên chợ Cần Thơ là một trong những phiên chợ lớn nhất và đông đúc nhất ở miền Nam Việt Nam. Tại đây, bạn có thể tìm thấy nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long như trái cây, rau củ, hải sản, đặc sản đồng quê và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Phiên chợ Cần Thơ diễn ra vào các ngày trong tuần, từ sáng sớm đến trưa. Tuy nhiên, vào các ngày lễ và cuối tuần, phiên chợ cũng có thể kéo dài đến tối muộn.
Ngoài việc mua sắm, bạn có thể tham quan và trải nghiệm không khí sôi động của phiên chợ. Bạn có thể thưởng thức các món ăn địa phương, tham gia các trò chơi dân gian và tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của địa phương.
Khi tham gia phiên chợ Cần Thơ, bạn nên mang theo tiền mặt để thanh toán cho các sản phẩm mua được. Nên đeo theo túi xách hoặc balo để đựng đồ và tránh mất cắp. Nếu bạn muốn chụp ảnh, hãy hỏi ý kiến của người bán hàng trước khi chụp.
0 Thích