Được mệnh danh là "Paris thu nhỏ" với khí hậu trong lành, không gian lãng mạn đặc trưng và nhất là những công trình kiến trúc đậm nét Tây phương, Đà Lạt từ lâu đã rất được lòng du khách trong và ngoài nước. Để có được vẻ đẹp quý phái và hấp dẫn như bây giờ, Đà Lạt hẳn đã từng trải qua nhiều đổi thay, biến cố, trong đó không thể không kể đến "một thời hoàng kim" của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương, phu nhân Trần Lệ Xuân,... Đến nay, những dấu tích một thời hoàng kim ấy vẫn còn được lưu giữ lại nơi dinh thự, cung điện, biện điện,...đã nhuốm màu cổ kính.
Thành phố mộng mơ ẩn chứa một thời hoàng kim trong quá khứ - Ảnh: Long Quang Le
Khi du khách đến Đà Lạt, một trong những địa điểm được giới thiệu nhiều nhất có lẽ là những dinh thự của vua Bảo Đại gồm dinh I, dinh II, dinh III nằm trên những ngọn đồi thơ mộng, giữa rừng thông xanh mát để vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và các quý tộc khi ấy về Đà Lạt nghỉ mát. Mỗi dinh đều toát lên một vẻ cổ kính, uy nghi của kiến trúc phương tây. Dinh I nằm trên đường Trần Quang Diệu, là nơi Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh và làm việc cho các quan chức sau khi quân Pháp trở lại nằm quyền năm 1948. Dinh I sau khi trùng tu đã chính thức mở cửa cho khách tham quan vào ngày 19 tháng 9 năm 2015.
Dinh I trước khi được tu sửa - Ảnh: Sưu tầm
Dinh I sau khi được trùng tu và mở cửa cho du khách tham quan - Ảnh: Zing.vn
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Đà Lạt
Dinh II là dinh thự mùa hè của Toàn quyền Decoux, nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Dinh II dưới thời toàn quyền là nơi ở và làm việc của Toàn quyền Decoux, đến thời Ngô Đình Diệm thì trở thành nơi nghỉ mát của Ngô Đình Nhu. Dinh III ở đường Triệu Việt Vương, là nơi nghỉ mát của gia đình vua Bảo Đại. Cả 3 dinh thự này đều được xây dựng kiên cố và đồ sộ giữa khuôn viên rộng lớn có rừng thông và nhiều loài hoa quý. Với vị trí trên những ngọn đồi cao, không khí thoáng đãng trong lành, các dinh thự này tạo cho du khách cảm giác về một quá khứ hoàng kim rực rỡ và có phần huyền bí của thời trước.
Dinh II cổ kính giữa màu xanh hoa cỏ - Ảnh: Sưu tầm
Dinh III có cùng kiến trúc với Dinh II - Ảnh: Sưu tầm
Cung hoàng hậu Nam Phương còn được gọi là dinh Nguyễn Hữu Hào, do đại điền chủ giàu có xứ Gò Công Nguyễn Hữu Hào xây dựng năm 1932 và tặng cho con gái mình là Nam Phương hoàng hậu, tức vua Bảo Đại lúc bấy giờ. Cung nằm trên một ngọn đồi nhỏ của đường Hùng Vương, cách trung tâm thành phố chừng 3km. Kiến trúc và nội thất trong cung vẫn còn được bảo tồn đầy đủ. Khi đến tham quan, bạn sẽ biết được cuộc sống xa hoa và không gian cung điện hoa lệ của hoàng hậu cách đây gần trăm năm.
Cung Nam Phương hoàng hậu nằm uy nghi trên cao - Ảnh: Kiến thức
Cách đây không lâu, báo chí từng đưa tin về một "đường hầm bí ẩn" dưới chân cầu thang cung điện Nam Phương, sau đó các nhà nghiên cứu của bảo tàng đã khám phá ra đường hầm này dẫn ra ngoài, hướng đến dinh I, II, III của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, phát hiện mới về đường hầm này chưa cho khách tham quan. Có vẻ như đường hầm trong cung điện này gợi cho chúng ta không ít suy tưởng và liên tưởng đến những câu chuyện cổ về vua chúa, bá tước, nam tước của phương tây.
Bên trong cung điện nguy nga - Ảnh: Kiến thức
Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 52% tại Đà Lạt
Biệt điện Trần Lệ Xuân từng là chốn nghỉ dưỡng xa hoa của "đệ nhất phu nhân" Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Nhu, khu biệt điện rộng lớn gồm quần thể ba biệt thự Hồng Ngọc, Bạch Ngọc, Lam Ngọc và vườn hoa Nhật Bản xinh đẹp. Nơi này mang dáng dấp của một thời hoàng kim xa hoa, nhộn nhịp bậc nhất của "đệ nhất phu nhân" thời bấy giờ. Nhưng sau cuộc đảo chính năm 1963, khu biệt điện hoa lệ này đi vào quên lãng cùng với dấu tích về những người uy quyền bậc nhất Sài Gòn khi ấy.
Biệt điện Trần Lệ Xuân nguy nga và hiện đại - Ảnh: Sưu tầm
Tận đến năm 2007, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV mới bắt đầu trung tu, tôn tạo khu biệt điện, giúp nơi này lấy lại được vẻ đẹp vốn có. Hiện nay, khu biệt điện có mở cửa cho tham quan, đến đây bạn sẽ được xem khu trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn - được UNESCO công nhận là dư sản tư liệu thế giới năm 2009. Giá vé tham quan là 15.000VNĐ/1 người, mở cửa tất cả các ngày trong tuần.
Một góc khác của biệt điện - Ảnh: Sưu tầm
Chỉ mới được Alexandre Yersin khám phá vào năm 1893 nhưng Đà Lạt đã được tác động và phát triển rực rỡ thành vùng đất đáng sống bậc nhất Việt Nam. Thành phố với màu trắng sương mù quanh năm quyện với màu xanh thông rừng, màu rực rỡ của hoa cỏ,...từ tự nhiên đã toát lên vẻ đẹp yêu kiều của một sơn nữ Tây Nguyên. Cùng với những công trình cổ kính đứng đó sau trăm năm vẫn toát lên vẻ quý phái thời đại, Đà Lạt nay đã là một quý cô đài các, uy nghiêm và thu hút mọi ánh nhìn từ mọi góc nhìn.
Quá khứ của thành phố sương mù là cả một câu chuyện dài - Ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng
Khách sạn Beepub Đà Lạt - blog.mytour.vn
Xem thêm: Các tour du lịch Lâm Đồng giá rẻ
Những gì đã diễn ra trong quá khứ dù thế nào cũng là một kỉ vật, kỉ niệm để nhớ trong hiện tại. Tôi không rõ trong những dinh thự, cung điện, biệt điện hào nhoáng khi xưa đã diễn ra những gì, chỉ biết mỗi khi về Đà Lạt, ghé thăm hay ngang qua những nơi đó đều thấy trong lòng thoáng lên một cảm giác kì lạ. Bạn có biết cái cảm giác chân thực khi xem lại một bộ phim Tây nào đó thời nam tước, bá tước, quý tộc khi xưa không? Cảm giác đó, chính là như vậy, cảm giác về một thời hoàng kim thực sự đã qua rồi.
Tú Uyên - blog.mytour.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của blog.mytour.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại blog.mytour.vn.
1 Thích