Từ vỏ bom mìn, đạn pháo vốn là vũ khí dùng trong chiến tranh, nay được trưng bày và trở nên gần gũi với nhiều du khách mỗi khi ghé thăm không gian quán cà phê được xem là “độc và lạ” nhất xứ Huế.
Nằm trên đường Lê Ngô Cát (TP Huế), “Cà phê Hè” không chỉ là quán cà phê đơn thuần mà còn được xem là bảo tàng với nhiều vật dụng, quân trang, vũ khí sau chiến tranh được sưu tầm và sắp đặt khá độc đáo dưới bàn tay của chủ quán, họa sĩ Nguyễn Văn Hè.
Sinh ra và lớn lên trên miền quê Vinh Ngạn (xã Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), để mưu sinh, từ năm 14 tuổi, Hè và nhiều người dân quê đã đi nhặt phế liệu chiến tranh. Cũng từ những lần thu mua phế liệu đó, Hè dần thích và muốn giữ lại những kỷ vật chiến tranh vốn gắn liền với gia đình, tuổi thơ của anh.
Khi vào đại học, đến thăm một số nơi bán kỷ vật và phế liệu chiến tranh, anh tiếp tục tìm mua, sưu tầm. “Phế liệu chiến tranh gợi lại ký ức đã ăn sâu trong tôi. Đã có nhiều lần một mình lặn lội lên tận Hà Giang, Lào Cai… để mua cho được những món đồ yêu thích”, chủ quán chia sẻ.
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Huế
Hơn 200 vật dụng, tư trang, phần lớn của quân đội Mỹ còn sót lại sau chiến tranh được anh Hè sưu tầm, rồi bày biện tại quán cà phê. Nhiều du khách ví quán như một “Bảo tàng về chứng tích chiến tranh thu nhỏ”.
Từ những chiếc thẻ bài của lính Mỹ được thu lượm ở sân bay Tà Cơn (Khe Sanh) đến những vỏ đạn pháo 150 ly ở vùng đồi A So (huyện A Lưới), ống nhòm, những chiếc võng, băng ca vận chuyển bệnh nhân thời chiến, rồi một phần xác máy bay được phát hiện ở vịnh Lăng Cô cũng có mặt trong không gian quán.
Dưới bàn tay của nghệ sĩ trẻ, mọi vật dụng như quân trang, vũ khí… đều được hoán đổi, thay thế vị trí, công năng sử dụng. Ví dụ những thùng đựng đạn trở thành kệ kê sách báo dành cho khách thư giãn khi ghé quán.
Chiếc máy chữ hay điện thoại chuyên dụng .... cũng được chủ nhân dày công sưu tầm.
Một góc nhỏ trong căn phòng chứa đầy những vật dụng liên quan đến chiến tranh của người họa sĩ trẻ.
Với Nguyễn Văn Hè, chiếc mũ cối của người lính Mỹ với những dòng chữ trắc ẩn đầy bi quan “Bồng Sơn - 1968: Việt Nam - Địa ngục trần gian và Tôi đang nghĩ về cái chết của chính mình” anh may mắn mua lại được như một vật chứng lịch sử nói lên sự tàn khốc của chiến tranh trên mảnh đất quê hương.
Xem thêm: Khách sạn khuyến mãi đến 59% tại Huế
Cùng với những sản phẩm khác, quán còn trưng bày khẩu súng mô hình được tạo ra từ bìa catton với mục đích mang lại cho du khách một góc nhìn, cảm giác thật hơn về độ tàn khốc của chiến tranh.
Anh Hè cho hay, nhiều giáo viên ngỏ ý muốn cho học sinh đến tham quan không gian quán trong giờ học ngoại khóa để các em hiểu thêm phần nào về quá khứ thông qua những vật dụng chiến tranh.
Với thông điệp “Yêu… không chiến tranh!”, nơi đây không chỉ là địa chỉ quen thuộc cho nhiều người lớn tuổi để cùng chia sẻ ký ức về một thời mưa bom, bão đạn mà còn là nơi thường xuyên đón những đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến mỗi khi có hành trình trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Huế.
Du lịch Huế
Xem thêm: Các tour du lịch Huế giá rẻ
blog.mytour.vn - Nguồn: Vnexpress
0 Thích