Mytour blog
Tags:
du lịch Lâm Đồngkinh nghiệm du lịch Đà LạtVườn hoa Đà LạtDinh Bảo Đại Đà Lạt
06/04/20232.2400

Tổng hợp những dinh thự của cựu hoàng Bảo Đại - Kỳ 2 năm 2024

Kinh thành Huế là nơi đóng đô của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm với 13 vị vua. Thế nhưng, vị vua thứ 13 của triều Nguyễn - vị vua cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam còn sở hữu nhiều dinh thự nguy nga, tráng lệ trải dài đất nước. Những biệt thự, dinh cơ của vua Bảo Đại còn được lưu giữ đến ngày nay, hầu hết trở thành điểm du lịch, di tích lịch sử cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Cùng Mytour ghé thăm những dinh thự đồ sộ này nhé!

 

Mời bạn xem thêm: Tổng hợp những dinh thự của cựu hoàng Bảo Đại - Kỳ 1

 

3. DINH BẢO ĐẠI - LÂM ĐỒNG

 

Tại thành phố sương mù Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vua Bảo Đại sở hữu 3 dinh nằm ở 3 con đường khác nhau. Tuy nhiên trong số đó, dinh III là nơi vua thường xuyên sinh sống khi đến Đà Lạt, thường làm việc ở dinh I và ít lui tới dinh II.

 

DINH I

 

Dinh I nằm ở đường Trần Quang Diệu, nằm cách trung tâm Đà Lạt chừng 4km về phía Đông Nam. Dinh I nằm trên một ngọn đồi có độ cao hơn 1550m, với tổng diện tích hơn 60ha và được bao phủ bởi rừng thông thơ mộng của mảnh đất Đà Lạt.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Cổng vào dinh I Bảo Đại - Ảnh: opusmang

 

dinh bảo đại lâm đồng

Vẻ đẹp từ xa của dinh I - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Lâm Đồng

 

Nguyên chủ nhân của dinh I là viên chức người Pháp Robert Clément Bourgery. Sau khi vua Bảo Đại trở lại nắm quyền thì đã mua lại dinh thự này vào năm 1949, và cho sửa sang toàn bộ dinh.

 

Dinh I là dinh cơ dùng làm tổng hành dinh và nơi làm việc của vua Bảo Đại. Tuy nhiên, sau này chính quyền Ngô Đình Diệm đã sử dụng làm dinh Tổng thống. Dinh được sửa sang thêm lần nữa, có thêm phòng dành cho các sĩ quan, phụ tá và có đường hầm là lối thoát hiểm kín đáo thông ra một sân trực thăng nhỏ, để phòng các cuộc pháo kích và đảo chính.Dinh I mang những nét kiến trúc độc đáo tân cổ điển châu Âu, tao nhã nhưng đầy uy nghi.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Dù bị bỏ hoang, nhưng dinh I vẫn đẹp lộng lẫy, nguy nga -Ảnh: opusmang

 

Các công trình phụ như kiến trúc nhà của ngự lâm quân, sân vườn, đài phun nước, lối đi dạo cũng góp phần tạo thành quần thể kiến trúc đẹp, sang trọng, lộng lẫy và hoàn chỉnh, thống nhất trong toàn thể khuôn viên.   

 

dinh bảo đại lâm đồng

Vẻ đẹp của biệt thự nhỏ dàng cho sĩ quan, phụ tá trên đường đến dinh I - Ảnh: opusmang

 

Để đến được tòa nhà chính, du khách sẽ phải đi một quãng đường khá xa, lối vào trải nhựa với hàng cây tràm thân trắng hai bên đường. Cuối con đường, du khách sẽ được vòng qua đảo hoa thượng uyển được thiết kế với hình oval trồng nhiều loại hoa để tô điểm thêm cho khuôn viên cũng như là bình phong để xoay chuyển hướng chia làm hai ngả đến sảnh đón chính của tòa nhà, từ đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng tòa chính của dinh vẫn khá vẹn nguyên theo thời gian.

 

Nhìn mặt ngoài, công trình ấn tượng nhờ mái ngói đỏ, tường sơn vàng và những cửa sổ gỗ màu xanh. Ở tầng trệt, các cửa sổ với vòm cung tròn đem lại cho tòa nét cổ điển, cửa chính thì lại được kết hợp với mái đón bằng ngang cùng vòm cung. Mặt bằng công trình được bố cục đối xứng với lối vào chính giữa, hệ thống cầu thang và hành lang mở ra hai bên.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Rừng thông xanh bao phủ dinh I - Ảnh: Sưu tầm

 

dinh bảo đại lâm đồng

Ngôi nhà 2 tầng khá nguyên vẹn theo thời gian - Ảnh: opusmang

 

Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lâm Đồng

 

Tuy nhiên, hiện nay dinh I chưa được tu bổ và đưa vào khai thác du lịch. Nhưng cổng phụ của dinh luôn mở cửa chào đón du khách. Đi qua cánh cổng nhỏ vào con đường với hàng tràm thẳng tắp sẽ mang đến cho du khách những cảm xúc rất khác so với những biệt thự được du lịch hóa, du khách thích khám phá thì đừng ngại đến dinh I nhé. Công trình kiến trúc cổ này vẫn nép mình lặng lẽ giữa rừng thông theo thời gian, như một nàng công chúa vẫn ngủ say trong rừng, đợi chờ ai đó đến đánh thức. Vì vậy, nếu được trùng tu, biệt thự này hẳn sẽ là nơi thu hút du khách không kém dinh III đâu nhỉ?

 

DINH II

Dinh II nằm trên đường Trần Hưng Đạo và được bao bọc bởi một phần đường Khởi Nghĩa Bắc Sơn, cách trung tâm Đà Lạt chỉ 2km về hướng Đông - Nam. Dinh II còn được gọi là dinh Toàn quyền, bởi nó đã từng là nơi làm việc của Toàn quyền Decoux. Cũng như dinh I, dinh II nằm trên một ngọn đồi cao 1539m, được xây dựng từ năm 1933.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Cổng vào dinh II được bao phủ bởi rừng thông - Ảnh: opusmang

 

Dinh II là một tòa lâu đài tráng lệ và sang trọng, chịu nhiều ảnh hưởng từ trào lưu cách tân của kiến trúc châu Âu. Dinh thự luôn được bao phủ bởi hàng thông xanh tốt quanh năm và những thảm cỏ xanh mướt mọc tự nhiên khắp nơi. Từ cửa sổ ở những phòng của dinh thự này, chúng ta hẳn sẽ được chiêm ngưỡng được những tán lá thông phía xa xa và hồ Xuân Hương dịu dàng, trong vắt và hướng tầm mắt xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy đồi Cù trên mặt hồ và cả nóc nhà Lang Biang ẩn hiện trong mây mờ - niềm tự hào của người dân xứ xở ngàn hoa này. Đây là một trong những công trình đẹp kiến trúc đẹp của người Pháp ở Đà Lạt.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Vườn hoa rực rỡ sắc màu bốn mùa - Ảnh: Sưu tầm

 

Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Đà Lạt

 

dinh bảo đại lâm đồng

Khu vườn đẹp say đắm lòng người ở dinh II - Ảnh: Mộc Thủy

 

Công trình được xây dựng từ năm 1933 với 25 phòng bài trí cực kì sang trọng lúc bấy giờ. Dinh II được thiết kế xây dựng bởi kiến trúc sư A.T.Kruzé, D.Veyssere và A.Léonard và P.Foinet trang trí nội thất. Đặc biệt, công trình được sử dụng vật liệu đá rửa màu sáng để phủ tường ngoài và các bộ phận vốn chất liệu gỗ thì thay bằng kim loại mang từ Pháp về Đà Lạt.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Dinh II nguyên vẹn ngày nay Ảnh: opusmang

 

dinh bảo đại lâm đồng

Lối đi dạo trong khuôn viên - Ảnh: Vietnam Discoveries

 

Dinh II được xây dựng với đường hầm kiên cố nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Toàn quyền Decoux. Đường hầm này được nối với hầm chứa rượu có bề ngang 1.5m, chiều cao hơn 1m được đổ bê tông chắc chắn ở nhiều ngóc ngách.

 

Ngày nay, tòa nhà này được sử dụng làm nhà khách của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, du khách đến Đà Lạt có thể ghé thăm dinh II để tham quan công trình kiến trúc đặc sắc này cũng như tận hưởng bầu không khí trong lành cùng với cảnh quan thơ mộng, quyến rũ của dinh thự trên ngọn đồi cao hơn 1500m này nhé!

 

DINH III

 

Dinh III là nơi vua Bảo Đại sống và sinh hoạt nhiều nhất khi đến Đà Lạt. Dinh III còn được mọi người gọi là Biệt điện Bảo Đại hay Biệt điện Quốc trưởng. Dinh III nằm trên con đường Triệu Việt Vương, cách trung tâm Đà Lạt 2km về hướng Tây - Nam. Dinh thự này được xây dựng vào những năm 1933 - 1938 trên một ngọn đồi thông cao 1539m nằm giữa rừng Ái Ân, được thiết kế bởi kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và kiến trúc sư người Pháp. Dinh III là nơi nghỉ mát, săn bắn vào mùa hè của vua Bảo Đại, nhưng sau khi thoái vị và làm quốc trưởng thì đây là nơi ông sinh sống và làm việc cùng gia đình. Ngày nay, Dinh thự thuộc quyền quản lý của Công ty du lịch Xuân Hương.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Kiến trúc của dinh III hài hòa cùng thiên nhiên - Ảnh: Sưu tầm


dinh bảo đại lâm đồng

Toàn thể kiến trúc 2 tầng  - Ảnh: opusmang

 

Về hình thức kiến trúc, dinh II và dinh III có nhiều nét tương đồng, chịu ảnh hưởng trào lưu tân kiến trúc châu Âu. Kiến trúc của Biệt điện Bảo Đại khá đồ sộ, nguy nga và lộng lẫy, gồm có 2 tầng tổng cộng 25 phòng sang trọng: Tầng trệt dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách, còn tầng lầu phục vụ sinh hoạt của vua, hoàng hậu, các hoàng tử và công chúa. Mỗi một phòng đều được thiết kế với màu sắc chủ đạo khác nhau. Trong đó, văn phòng làm việc được lưu giữ những ấn tín quân sự, ngọc tỷ của hoàng đế, quốc thư và còn có bức tượng bán thân của vua Bảo Đại và vua Khải Định. Đồng thời, còn có Lầu Vọng Nguyệt rất đẹp, là nơi ngắm trăng mỗi khi đêm đến của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Phòng làm việc của vua Bảo Đại tại dinh thự khi làm Quốc trưởng - Ảnh: Sưu tầm

 

dinh bảo đại lâm đồng

Những hiện vật trang trí bắt mắt, đặc sắc tại dinh thự - Ảnh: Thaiduongtourism

 

dinh bảo đại lâm đồng

Phòng riêng của hoàng hậu Nam Phương - Ảnh: opusmang

 

dinh bảo đại lâm đồng

Phòng ngủ của vua Bảo Đại tại dinh III - Ảnh: opusmang

 

Ngoài ra, tại biệt điện còn có những vườn hoa nhỏ theo kiểu vườn hoa ở cung điện Pháp có bố cục theo hình kỷ hà và một hồ nước nhỏ thơ mộng. Các tiểu cảnh của dinh thự đẹp trang nhã và thanh tao với hòa nguyện cùng thiên nhiên của “xứ sở ngàn hoa”, càng tạo nên những cảm giác dịu êm trong lòng những ai đã từng đến đây. Con đường đi dạo quanh dinh hòa vào những tán lá thông vươn dài cùng những đám cỏ nhỏ xanh tốt gần gũi với thiên nhiên.

 

dinh bảo đại lâm đồng

Du khách thích thú chụp ảnh ở vườn hoa - Ảnh: opusmang

 

Xem thêm: Các tour du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng

 

Hiện nay, dinh III là nơi du khách đến tham quan nhiều nhất trong số các dinh còn lại. Thuở vàng son ngày nào, cái hồn của vua chúa như vẫn còn được lưu giữ tại nơi này. Không giống như những biệt thự ở Nha Trang hay Hải Phòng, dinh III tại Đà Lạt không được khai thác làm khách sạn, du khách đến đây chỉ có thể tham quan và ngắm nhìn cảnh vật nơi này.

 

Đất nước ngày nay hội nhập và phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại và năng động, các nhà cao tầng mọc chi chít khắp nơi, nhưng những giá trị tinh hoa của lịch sử vẫn luôn được giữ gìn và bảo tồn qua năm tháng. Dinh Bảo Đại là một trong số những quần thể của thời phong kiến, là dấu ấn xa hoa của vua chúa. Đến với những dinh thự này, chúng ta sẽ được mở mang kiến thức, quay ngược thời gian để tìm hiểu thêm về lịch sử triều Nguyễn nói chung và vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ đất Việt nói riêng. Hơn hết, chúng ta sẽ cùng có những cảm xúc thanh tịnh và yên bình ở những nơi thơ mộng trên những ngọn đồi, ngọn núi mà những dinh thự này tọa lạc.

 

Mỹ Phượng - Mytour.vn

 

Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour..

0 Thích

Đánh giá : 4.8 /118